Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:31 (GMT +7)
WB dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm 2021
Thứ 4, 25/08/2021 | 09:13:47 [GMT +7] A A
Chiều ngày 24/8, WB tại Việt Nam đã tổ chức họp báo trực tuyến công bố Báo cáo Điểm lại ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề: Việt Nam Số hóa- Con đường tới tương lai. Theo đó, dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021, và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,8%
Báo cáo Điểm lại về nền kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam – cho biết, nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu với những kết quả tốt trong nửa đầu năm 2021. GDP của Việt Nam đạt gần sát các mức tăng trưởng trước đại dịch trong nửa đầu năm 2021, trong đó ngành công nghiệp đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Động lực tăng trưởng chính là đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2021, đến nay vẫn chưa được kiểm soát. Để kiểm soát lây lan Covid-19 trong cộng đồng, các cấp chính quyền đã hành động nhanh chóng. Hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Chỉ số mua hàng lại tụt giảm xuống dưới 50, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7/2021. Điều này phản ánh thực tế các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để cố gắng kiểm soát lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, suy giảm kinh tế cũng ảnh hưởng đến việc làm, chủ yếu là hộ gia đình và khu vực kinh tế phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng.
Về kinh tế đối ngoại, bà Dorsati Madani cho biết, vị thế kinh tế đối ngoại xấu đi trong Quý II/2021. Cán cân thương mại hàng hóa chuyển sang thâm hụt. 6 tháng năm 2021, tăng trưởng nhập khẩu (33,3% so với cùng kỳ) cao hơn so với tăng trưởng xuất khẩu (29% so với cùng kỳ). Xuất khẩu chững lại trong nửa đầu năm 2021 sau khi tăng mạnh nửa cuối năm 2020.
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế. Khu vực kinh tế đối ngoại đã mất đi một phần động lực, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong bảy tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong khi cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có trong năm 2020.
“Có lẽ các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy do đại dịch tái bùng phát, buộc họ phải đóng cửa nhà máy hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia khác có các hoạt động sản suất đang phục hồi mạnh mẽ hơn”- bà Dorsati Madani cho hay.
Dự báo thời gian tới, bà Dorsati Madani cho biết, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021, và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi. Đây là dự báo tích cực, nhưng vẫn thấp hơn 2,0 điểm phần trăm so với dự báo trong kỳ Báo cáo Điểm lại tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây và còn phụ thuộc vào một số rủi ro tiêu cực.
Báo cáo của WB cho rằng, dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV.
Cần thận trọng những rủi ro
Mặc dù, dự báo trên khá tích cực, song các chuyên gia của WB nhận định, cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vắc-xin ở Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.
“Nếu những rủi ro đó trở thành hiện thực, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ thấp hơn mức dự báo 4,8%.”- báo cáo chỉ rõ.
Mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội, bao gồm: Xử lý những hệ quả xã hội của đại dịch, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng và cảnh giác với rủi ro tài khóa.
Cũng tại họp báo, ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam - cho rằng, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới.
“Để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam sẽ cần tiến hành một số hành động. Ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân, và an ninh mạng”- ông Jacques Morisset nhấn mạnh.
Song song với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ cần tiến hành lộ trình hành động cụ thể như: nâng cao kỹ năng số; bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()