Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:22 (GMT +7)
Washington Post: Nga suýt bắn hạ máy bay do thám Anh, thổi bùng nguy cơ xung đột trực tiếp
Thứ 2, 10/04/2023 | 10:26:09 [GMT +7] A A
Báo Washington Post cho biết nếu xảy ra, vụ việc có thể lôi kéo Mỹ và NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nga và khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã suýt tiến gần nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực vào năm ngoái, sau khi một máy bay chiến đấu của Nga suýt bắn hạ một máy bay giám sát của Anh, theo thông tin được tờ Washington Post trích dẫn từ kho tài liệu bị rò rỉ mới đây của Lầu Năm Góc.
Tờ báo đưa tin vụ việc xảy ra vào cuối tháng 9/2022 được cho là nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì London thừa nhận trước đó. Trở lại vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace báo cáo về vụ việc này với quốc hội, đồng thời cho biết thêm rằng phía Moskva giải thích đó là một sự cố kỹ thuật và London chấp nhận lời giải thích này.
Tài liệu mà Washington Post nắm được đã mô tả đây là một vụ “suýt bắn hạ RJ của Anh” – ám chỉ mật danh “River Joint” của máy bay trinh sát RC-135 chuyên thu thập các đường truyền vô tuyến và tin nhắn điện tử. Phía Anh thông báo rằng chiếc RC-135 đã bị chặn đầu bởi hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga trên Biển Đen, và một chiếc Su-27 đã thả tên lửa gần máy bay Anh.
Theo tờ báo, vụ việc có khả năng kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO và có thể dẫn đến sự can dự trực tiếp của các lực lượng NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine, hoặc thậm chí là nổ ra xung đột trực tiếp giữa Moskva và khối quân sự này.
Tờ báo trên cho biết cả Mỹ, Anh và Nga đều không đưa ra bình luận về nội dung của tài liệu đó.
Washington Post cũng lưu ý rằng Mỹ có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các nhiệm vụ do thám ở khu vực Biển Đen và đặc biệt yêu cầu lực lượng không quân của họ tránh xa Bán đảo Crimea.
Một bản đồ trong tài liệu cho thấy một số đường được đánh dấu trên Biển Đen để báo hiệu các khu vực mà máy bay giám sát của Mỹ có thể và không thể bay
Không giống như Pháp và Anh thực hiện các chuyến bay giám sát có người lái trên Biển Đen, Mỹ sử dụng máy bay không người lái, bao gồm RQ-4 Global Hawk, RQ-170 Sentinel và MQ-9 Reaper. Tài liệu cho biết thêm rằng một số các chuyến bay không người lái như vậy diễn ra đều đặn hàng tháng.
Vào tháng 3, Lầu Năm Góc đã cáo buộc các phi công Nga không tuân thủ các quy tắc an toàn và khiến một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ rơi xuống Biển Đen. Nga phủ nhận việc va chạm hay sử dụng vũ khí tấn công thiết bị này. Điện Kremlin cho biết máy bay Mỹ đã hoạt động trong tình trạng tắt bộ liên lạc ở khu vực cấm bay do quân đội Nga tuyên bố.
Theo CNN, Lầu Năm Góc đã tiếp tục định tuyến lại phạm vi hoạt động của máy bay không người lái trên Biển Đen sau vụ việc đó.
Ngày 8/4, chính phủ Mỹ đã bắt đầu đánh giá thiệt hại liên quan đến việc rò rỉ thông tin tình báo, khi Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp nước này muốn xác định nguyên nhân dẫn đến việc nhiều trang tài liệu mật về cuộc xung đột ở Ukraine và các vấn đề quốc tế khác xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo các quan chức Mỹ, mặc dù một số tài liệu đã xuất hiện từ hai tháng trước, nhưng việc tiết lộ chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc xung đột ở Ukraine vì chúng nhằm mục đích chỉ ra các điểm yếu tiềm ẩn trên chiến trường và tiết lộ thành phần của một số đơn vị trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Tờ Wall Street Journal cho biết không thể xác thực tính độc lập các tài liệu bị rò rỉ, nhưng thừa nhận chúng chứa đủ chi tiết để tạo độ tin cậy. Các quan chức quốc phòng Mỹ lưu ý một số tài liệu có thể là xác thực, mặc dù một số nội dung dường như đã bị điều chỉnh.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()