Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:06 (GMT +7)
Vượt qua các câu hỏi thiếu tâm lý mùa Tết và những áp lực bằng bạn bằng bè
Thứ 5, 08/02/2024 | 23:07:22 [GMT +7] A A
Bên cạnh không khí xuân vui tươi và cơ hội hàn huyên với người thân, Tết Nguyên đán cũng gắn với nhiều nỗi niềm không tên với các bạn trẻ.
Khi áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng
Nói về Tết cổ truyền, bạn Đình Nam (29 tuổi, chuyên viên ngân hàng) cho biết năm nào bạn cũng ám ảnh với những câu hỏi quen thuộc khi về thăm quê như chừng nào lấy vợ, khi nào mua nhà…
"Kinh tế ngày càng khó khăn, lĩnh vực ngân hàng chẳng là ngoại lệ. Ở độ tuổi này, với người lớn tôi phải mừng tuổi, trẻ nhỏ thì lì xì… chưa kể cuối năm tôi phải dự quá nhiều đám cưới nên túi tiền dần cạn kiệt. Tết tôi chỉ thấy lo chứ chẳng mừng nổi", Đình Nam bộc bạch.
Chia sẻ về chủ đề "muôn năm không cũ" này, thạc sĩ - bác sĩ CKI tâm lý tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa (gương mặt có 2,7 triệu lượt thích trên TikTok) cũng đồng tình rằng tuy xã hội đã hiện đại hơn, cởi mở hơn, nhưng những mối quan tâm "rất truyền thống" đó vẫn làm không ít bạn trẻ áp lực.
"Tết đến, hầu hết các bạn trẻ đều gặp nhiều dạng áp lực như phải dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, rồi kiếm tiền để có thể mua sắm và chi nhiều khoản khác cho Tết.
Một số bạn phải đối diện với áp lực, sự căng thẳng đến từ chính sự kỳ vọng, các câu hỏi "nhạy cảm" của người thân, gia đình. Có bạn lại đối diện với sự tự so sánh bản thân với những người xung quanh, sự quá tải thông tin trên mạng…" - bác sĩ Nghĩa cho biết.
Và đâu chỉ vậy, Tết cũng là dịp hầu hết mọi người đều dùng các thực phẩm nhanh, nhiều dầu mỡ và bia rượu… ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Đồng quan điểm, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam - cho rằng áp lực từ việc bạn trẻ bị so sánh với thành công của những người xung quanh có thể tạo ra cảm giác thiếu tự tin và lo sợ về sự đánh giá của người khác, hoài nghi giá trị bản thân ở họ.
Đồng thời, một số người có thể trải qua cảm giác cô đơn, tủi thân khi nhìn thấy người thân và bạn bè hạnh phúc bên gia đình trong khi họ không thể trở về quê hương.
Hệ lụy và giải pháp cho sức khỏe tinh thần dịp Tết
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, tình trạng stress và căng thẳng kéo dài trong dịp Tết nếu không được giải tỏa kịp lúc có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng mạn tính.
"Các vấn đề như trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm lý khác có thể phát triển hoặc trở nên tồi tệ hơn nếu áp lực từ mùa Tết không được giải quyết triệt để. Điều trên có thể gây tổn thương lâu dài đến các mối quan hệ, dẫn đến mâu thuẫn gia đình và xã hội…
Stress và lo âu cũng hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, đau đầu và mất ngủ… Stress cũng tác động đến hiệu suất làm việc của bạn trẻ, làm giảm năng suất làm việc của các bạn sau Tết", bác sĩ Trung Nghĩa phân tích.
Tiến sĩ Hòa An cho biết dù Tết mang lại cơ hội kết nối hơn với người thân và bè bạn nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra mâu thuẫn, xung đột không đáng.
"Những câu hỏi có tính quyết định lớn, nhạy cảm hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người khác như khi nào mới lập gia đình, thu nhập đang là bao nhiêu… thì nên để người trong cuộc chủ động đề cập khi cần hoặc khi đúng thời điểm", tiến sĩ Hòa An nói.
Theo tiến sĩ Hòa An, để duy trì sức khỏe tinh thần tích cực trong dịp Tết, có nhiều giải pháp bạn trẻ có thể áp dụng.
"Thời gian dành cho bản thân là rất quan trọng, chẳng hạn bạn trẻ nên cố gắng duy trì giấc ngủ đủ và sâu, thực hiện các hoạt động cá nhân yêu thích. Trong quan hệ gia đình, việc thấu hiểu và tôn trọng quan điểm của nhau giúp tạo ra một không khí tích cực, nhẹ nhàng.
Chúng ta cần học cách giao tiếp tế nhị, hiệu quả và tránh những câu hỏi nhạy cảm vì các điều này sẽ góp phần đáng kể duy trì tinh thần lạc quan và hạnh phúc trong dịp Tết cho mọi người", tiến sĩ Hòa An nói.
Nói về cảm giác chán chường, hoài nghi khi bị so sánh với thành công của người khác hoặc nhớ về những điều chưa đạt được trong năm cũ ở một số bạn trẻ, thạc sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhận định việc không hoàn thành mục tiêu không có nghĩa chúng ta vô giá trị.
"Mục tiêu là thứ chúng ta muốn đạt được, giá trị là kiểu người mình muốn trở thành. Và có nhiều phương thức để đạt được giá trị mà việc làm cũng như tiền bạc chỉ là hai trong số đó. Chẳng hạn bạn hướng đến trở thành một người tử tế. Ngoài cho tiền hay đóng góp quỹ, bạn có thể lắng nghe và dành thời gian cho những số phận kém may mắn cần sự sẻ chia.
Chỉ cần chúng ta đã nỗ lực hết sức và tạo ra giá trị tích cực, thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua… là chúng ta đã có quyền tự hào, hạnh phúc", bác sĩ Trung Nghĩa đúc kết.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()