Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:32 (GMT +7)
Vướng mắc trong đặt hàng công ích dịch vụ thủy lợi
Thứ 7, 07/08/2021 | 09:38:30 [GMT +7] A A
Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT là cơ quan chủ quản thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích đối với 3 công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xóa bỏ cơ chế bao cấp đối với hoạt động này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, nhất là việc chậm trễ trong công tác ký hợp đồng, thanh quyết toán, đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 179 hồ chứa và 102 trạm bơm tưới tiêu, 243 cống tiêu với chiều dài kênh gần 3.250km. Trong đó, 3 công ty thủy lợi (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông) được UBND tỉnh giao quản lý hệ thống công trình thủy lợi đầu mối, các trục kênh chính, kênh nhánh, các công trình điều tiết nước lớn và vừa có điều kiện kỹ thuật phức tạp để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh ở các địa phương. Để quản lý, vận hành 38 hồ, 16 trạm bơm nước tưới tiêu, 27 cống, các công ty đang phải huy động gần 500 cán bộ, công nhân để đảm bảo công tác tưới, tiêu cho trên 35.000ha/năm.
Ngay từ năm đầu tiên triển khai, cơ chế đặt hàng dịch vụ công ích đã phát huy được kết quả tích cực. Các công ty nhận đặt hàng dịch vụ công ích đều đổi mới toàn diện trong công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, 3 công ty kể trên đã tiến hành quản lý diện tích tưới, tiêu nước bằng bản đồ giải thửa số và bảng kê diện tích của từng thửa ruộng. Điều này, đã giúp xác định chính xác đường bao tưới, tiêu của từng hệ thống; khu tưới, tiêu của các đơn vị dùng nước; xác định chính xác diện tích tưới, tiêu của từng cây trồng; cập nhật chính xác diện tích tưới, tiêu khi có sự tăng giảm. Các hoạt động này đều có sự giám sát, ký nhận của người dân và chính quyền địa phương nên đã đảm bảo kết quả thực hiện bài bản, sát thực với định mức kinh tế kỹ thuật.
Các công ty nhận đặt hàng từ tỉnh cũng tiến hành thực hiện giao khoán khối lượng để tăng năng suất lao động và tăng thêm thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh việc cung cấp nước thô cho các khách hàng mới; mở rộng các dịch vụ ngoài công ích. Nhờ đó, mỗi năm đã tiết kiệm chi thường xuyên và ngân sách cấp so với hợp đồng đặt hàng từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Việc triển khai phương án đặt hàng theo cơ chế mới cũng đã nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các công ty thủy lợi trong việc quản lý, vận hành hồ đập. Ngay từ đầu năm, những đơn vị này sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, phân loại đánh giá mức độ hư hỏng của các công trình để xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Đặc biệt, trong quá trình vận hành, khai thác hồ, đập, 3 công ty bám sát theo 16 nội dung cơ bản được quy định trong Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn hồ đập, chứa nước (lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp...). Trong khi các đập, hồ chứa thuộc trách nhiệm địa phương quản lý thì phần lớn chưa triển khai theo quy định.
Mặc dù các công ty thủy lợi đã có nhiều nỗ lực, cách làm mới để triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc thường xuyên bị chậm trong công tác đặt hàng, nghiệm thu, thanh quyết toán đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2021 của Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông cho biết: Từ năm 2016 đến nay, công tác đặt hàng, tạm ứng, nghiệm thu và thanh quyết toán thường xuyên bị chậm, có nhiều năm đến tháng 10, tháng 12, Công ty mới ký được hợp đồng đặt hàng. Riêng năm 2021 do phải xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật nên đến nay chúng tôi vẫn chưa ký được hợp đồng đặt hàng và chưa được tạm ứng, cấp phát kinh phí. Vì vậy, các công ty phải tìm đủ mọi cách xoay xở để tạm ứng lương tối thiểu cho người lao động, kinh phí công đoàn, tiền bảo hiểm... Đơn cử như năm nay, Ban lãnh đạo công ty phải huy động bằng hình thức đi vay hơn 2 tỷ đồng để có điều kiện duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ chậm ký hợp đồng, năm 2019 và 2020, chúng tôi mới chỉ được tạm ứng 90% kinh phí hoạt động, chưa được phê duyệt quyết toán, chưa nghiệm thu diện tích đặt hàng sau khi kết thúc hợp đồng. Chúng tôi cũng chưa biết đến thời điểm nào mới được cấp số kinh phí còn lại.
Chung hoàn cảnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều cũng đã phải đi vay ngân hàng trên 3,7 tỷ đồng để có tiền thực hiện sửa chữa, duy tu các công trình bị hư hỏng, trả tiền lương, tiền điện phục vụ sản xuất, nộp tiền thuế... Theo ông Đặng Văn Tuyên, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều: Những bất cập kéo dài suốt nhiều năm nay là do tỉnh còn thiếu quy định về đặt hàng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nên chưa có quy định rõ từng bước thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, nếu tỉnh phân cấp việc đặt hàng này cho các địa phương thì chắc chắn sẽ còn phát sinh thêm nhiều bất cập, chồng chéo cả về mặt pháp lý và điều kiện thực tế, từ đó dẫn đến việc phân bổ các khoản mục chi phí khó khăn, dàn trải.
Có thể khẳng định, qua 5 năm tỉnh triển khai đặt hàng dịch vụ công ích đối với 3 công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước, nâng cao mức độ an toàn cho các hồ đập và tính tự chủ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả cao, những khó khăn bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện cần sớm được cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, đánh giá cụ thể; đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh để sớm ban hành các quy chế phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi triển khai nhiệm vụ.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()