Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:32 (GMT +7)
Bình Phước: Vườn tiêu hữu cơ thu bạc tỷ
Thứ 6, 26/11/2021 | 16:10:28 [GMT +7] A A
Thời gian qua, trong khi nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh quay cuồng trong cơn bĩ cực do tiêu chết hàng loạt, rớt giá thì vườn tiêu hữu cơ của anh Phương Thành Trận và một số hộ tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vẫn xanh tốt, cho thu tiền tỷ mỗi năm.
Trong thời điểm nông dân đua nhau canh tác hồ tiêu trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Phương, ngụ thôn 5, xã Thiện Hưng dồn tất cả nguồn lực, kể cả vay vốn ngân hàng gần nửa tỷ đồng để xuống 1.000 nọc tiêu. Những năm qua, do chưa tiếp cận phương pháp canh tác hợp lý và gặp cảnh tiêu chết hàng loạt, giá tiêu khô rớt thê thảm, gia đình chị cũng như nhiều hộ khác đành “ngậm đắng, nuốt cay”, làm thuê kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Chị Phương cho biết: “Cây tiêu làm thất thoát tiền của nhiều rồi. Bây giờ cả nhà phải đi làm thuê để có tiền trả nợ nên nhìn thấy cây tiêu là sợ và nghĩ sẽ không bao giờ hướng đến canh tác hồ tiêu nữa”.
Khác với gia đình chị Phương, cũng hơn 5 năm, trong khi nông dân ở Bình Phước đổ xô trồng tiêu với mức đầu tư giống, trụ, phân bón khoảng 300-500 triệu đồng/ha thì anh Phương Thành Trận ở thôn 10, xã Thiện Hưng lại chọn cách đầu tư khác nhằm hạ giá thành sản xuất. Thời điểm đó, chỉ riêng giá mỗi trụ, nọc khô hoặc bê tông trồng tiêu từ 90-150 ngàn đồng, nhưng trồng theo cách của anh Trận chỉ tốn khoảng 50 ngàn đồng/trụ tiêu, kể cả phân bón, cây giống.
Gần 10 ha tiêu của gia đình anh đều trồng cây trụ sống như keo lai, muồng. Đây là những loại cây phát triển nhanh, dễ sống, có thể trồng cùng lúc với cây tiêu, lại giúp giảm giá thành. “Tuy nhiên, do trụ sống gần 1 năm mới cho tiêu bám vào được nên phải mua thêm 1 cây khác giá khoảng 30 ngàn đồng để làm trụ giả và tính toán trung bình 1 ha tiêu đầu tư chưa đến 300 triệu đồng đã cho thu hoạch” - anh Trận cho biết.
Toàn bộ vườn tiêu của anh Trận được đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Cây được bón phân hữu cơ vi sinh tận gốc và nước tưới cả gốc lẫn ngọn nên trụ sống và cây tiêu đều phát triển tốt. Cỏ trong vườn tiêu không nhổ bỏ để tránh ảnh hưởng đến rễ tiêu, dẫn đến dễ bị bệnh. Thay vào đó, cỏ được cắt nhằm giữ ẩm cho đất. Cộng với bón phân hữu cơ vi sinh nên các vi sinh vật có lợi trong đất thêm “đất sống”, giúp cây tiêu có thêm điều kiện phát triển, kháng bệnh.
Những niên vụ qua, vườn tiêu của anh Trận cho thu hoạch ổn định. Nếu tính sơ bộ 1 ha sẽ thu trung bình khoảng 4 tấn tiêu khô, với giá bán cho Nedspice hiện nay là 93.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, anh có lãi ròng hơn 100 triệu đồng/ha. Anh Trận cho biết thêm: “Canh tác theo hướng hữu cơ cho giá thành cao và việc chăm sóc cây cũng nhẹ nhàng, hồ tiêu sẽ phát triển bền vững hơn. Nếu lạm dụng thuốc hóa học sẽ cho năng suất cao nhưng tuổi thọ của cây tiêu ngắn, sản phẩm đầu ra bấp bênh”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp Mai Văn Sang nhận xét vườn tiêu nhà anh Trận: “Đây là vườn tiêu thành công nhất huyện Bù Đốp đến thời điểm hiện nay và cũng là mô hình canh tác hồ tiêu theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn VietGAP”.
Hồ tiêu là cây trồng rất “khó tính”, việc người dân bỏ qua khuyến cáo của các cơ quan chức năng, phát triển ồ ạt, dẫn đến nhiều hệ lụy. Muốn làm giàu từ cây tiêu thì người trồng phải tính toán thổ nhưỡng phù hợp, gần nguồn nước và giống tốt, kỹ thuật canh tác, đặc biệt phải “chung thủy” với cây tiêu. Bên cạnh đó, để sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững thì cần trợ lực của cơ quan chức năng trong việc tăng cường tập huấn và liên kết với đơn vị thu mua, bảo quản, chế biến, xuất khẩu để giúp người nông dân yên tâm canh tác.
Theo Thanh Mảng/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()