Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:24 (GMT +7)
"Ngôi nhà văn hóa" của đồng bào dân tộc ít người Ba Chẽ
Thứ 5, 01/09/2022 | 10:03:13 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, từ sự vào cuộc của tỉnh, huyện, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ được thay đổi rõ rệt. Người ta đã quên dần quan niệm huyện nghèo, nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo mà thay vào đó là huyện đang phát triển về cả vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Một thời chưa xa, chỉ cách đây khoảng chục năm, đến các thôn, bản của huyện Ba Chẽ khó mà thấy ngôi nhà cao tầng nào. Còn hiện nay, dù là những thôn, bản xa xôi nhất của Ba Chẽ đã có nhiều ngôi nhà đẹp không thua kém gì các ngôi nhà nơi đô thị. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Chẽ đã thay thế hàng trăm con đường xấu thành đường bê tông hóa, hàng nghìn ngôi nhà tranh tre tạm bợ bằng nhà kiên cố khang trang.
Các công trình dân sinh phục vụ cho đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục mọc lên. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện 5 công trình, tổng mức đầu tư hơn 304,5 tỷ đồng, gồm các công trình: Cải tạo, nâng cấp cầu tràn Thác Hoen, xã Minh Cầm; cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ thôn Đồng Dằm (xã Đạp Thanh) qua thôn Khe Nà (xã Thanh Sơn) đến thôn Lang Cang (xã Đồn Đạc); cải tạo, mở rộng Trường PTDT Nội trú huyện Ba Chẽ (mục tiêu mở rộng quy mô trường, nâng số học sinh theo lộ trình từ 450-500 em, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của huyện).
Người dân đã có ngôi nhà riêng vững chãi cho gia đình mình để an cư lạc nghiệp, nay càng vui hơn khi có ngôi nhà chung. Năm 2020, huyện Ba Chẽ xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Đây là ngôi nhà thờ tổ chung của người Dao 2 tầng, tổng diện tích 1.600m2, trong đó diện tích nhà 707,1m2, được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ngôi nhà không chỉ là nơi tìm đến của người Dao huyện Ba Chẽ, mà cả người Dao trong tỉnh và từ nhiều tỉnh, thành khác trong nước, nhất là vào dịp Lễ hội Bàn Vương.
Vào dịp Lễ hội Bàn Vương năm 2022, huyện Ba Chẽ đã khai trương không gian trưng bày văn hóa truyền thống người Dao tại tầng 1 của Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao. Không gian gồm nhiều bức tượng bằng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hằng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ trong sinh hoạt, sản xuất của người Dao xưa và nay, rất ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao huyện Ba Chẽ và của tỉnh.
Đời sống tinh thần của bà con được quan tâm và nâng cao rõ rệt, nhiều giá trị văn hoá truyền thống một thời tưởng như mai một, nay đã được khôi phục lại, như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa Ka đong... Nhiều người Dao ở Ba Chẽ đã cất công đến tận tỉnh Hà Giang để học lại các nghi lễ này, về truyền lại cho dòng tộc của mình.
Đặc biệt, Lễ hội Bàn Vương hằng năm nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách những đặc trưng văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng của dân tộc Dao Ba Chẽ; trong đó tái hiện lại một số nghi lễ quan trọng, như hành trình “Vượt biển” của 12 dòng họ người Dao trên 12 con thuyền đến vùng đất mới để lập nghiệp; dâng các lễ vật, cây đặc sản lên cúng ông tổ Bàn Vương tại Miếu Bàn Vương và một số nghi lễ tiêu biểu của dân tộc Dao cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu ấm no, hạnh phúc. Hành trình “Vượt biển” bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian (xã Nam Sơn), đi theo đường sông đến miếu Bàn Vương tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn).
Trong lễ cấp sắc của người Dao, nhân vật Ka đong được coi như đấng thần linh bảo vệ con người, dòng họ và bản làng. Múa Ka đong với đeo mặt nạ là một diễn xướng dân gian tổng hợp vô cùng ý nghĩa của người Dao Thanh Y. Những người đàn ông giỏi giang, giỏi đối đáp, giỏi võ thuật sẽ được lựa chọn làm Ka đong. Xen lẫn trong màn múa là các hội thoại răn dạy con người, các bài học đạo đức, bài học ứng xử, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Thầy mo ngoài nhiệm vụ cấp sắc còn phải răn dạy đứa trẻ khi đã thành người lớn rồi phải tiếp nối dòng họ, tuyệt đối không được làm điều xấu, phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương, giúp đỡ, cứu người.
Trước đó, loại mặt nạ Ka đong đã bị mai một, gần như không còn. Giờ đây, học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện có thể tham gia làm mặt nạ Ka đong, do các nghệ nhân được mời đến truyền dạy, góp phần bảo tồn điệu múa Ka đong.
Trung tuần tháng 6/2022, lần đầu tiên huyện Ba Chẽ đã tổ chức Lễ hội Thể thao - Văn hóa dân tộc Sán Chay tại xã Thanh Sơn, là xã có đông người Sán Chay sinh sống. Lễ hội gồm lễ cúng tổ tiên, các vị thần theo phong tục của người Sán Chay, để cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, mùa vàng tốt tươi; phần hội gồm thi hát Soóng cọ, thi đẩy gậy, kéo co, làm các món ẩm thực của dân tộc Sán Chay. Lễ hội nhằm khích lệ người dân phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhất là giáo dục lớp trẻ biết yêu quý, trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó giữ gìn bảo tồn, phát huy một cách tốt nhất.
Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, bà con càng thấy yêu quê hương mình hơn. Ông Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã Thanh Sơn, bày tỏ: "Chúng tôi thật tự hào khi là đồng bào dân tộc thiểu số sống trên quê hương Ba Chẽ, nơi mà chúng tôi được quan tâm, chăm lo một cách tốt nhất...".
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()