Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:09 (GMT +7)
Vươn lên từ bóng tối
Thứ 6, 23/09/2022 | 10:44:10 [GMT +7] A A
Mất thị lực hoàn hoàn hoặc gần như không nhìn thấy gì, khả năng di chuyển bị hạn chế, đặc biệt khó khăn khi tìm việc làm... nhưng với nhiều người khiếm thị, những trở ngại đó đã biến thành động lực để họ tìm tòi, sáng tạo trong lao động sản xuất, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn góp phần cải thiện cuộc sống cho gia đình.
Nhìn cách ông Đoàn Văn Tình ở thôn Cổ Lễ, phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, chẻ tre, đan lát, khó ai đoán được rằng ông là một người khiếm thị bẩm sinh. Mặc dù từ nhỏ đã không nhìn thấy gì cho đến khi lớn lên lập gia đình sinh tới 4 người con, ông Tình luôn là lao động chính trong nhà nhờ ý chí quyết tâm và sự cần cù, chịu khó.
Trước kia, hai vợ chồng ông từng làm nhiều nghề nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất chật vật. Năm 2010, ông Tình nhận thấy nhu cầu hàng mã của người dân tăng cao, nên quyết định chuyển sang làm công việc này. Hàng ngày, người vợ chở chồng vào rừng chặt che, đẵn nhỏ ra rồi đem về nhà. Ông Tình trực tiếp vót từng chiếc nan, tự mày mò để đan từng con ngựa.
Ông Đoàn Văn Tình chia sẻ: Khi tôi đi hỏi để học nghề đan lát hàng mã, người ta khẳng định tôi không thể làm được vì người sáng mắt mà có khi 6 tháng chưa chắp (đan) xong con ngựa. Thế là tôi về bảo vợ ra chợ mua con ngựa về, tôi tháo ra xem và tự mày mò để đan bằng được. Đan thành công được con ngựa rồi là tôi phát triển lên các con khác… Bây giờ khách hàng yêu cầu con gì tôi cũng làm được.
Là người vợ đã nhiều năm cùng ông Tình đồng cam cộng khổ, bà Nguyễn Thị Loan cho biết: Trước kia, hai vợ chồng bà rất vất vả, xoay sở đủ nghề từ mò cua bắt ốc đến làm tăm tre, bện chổi…. để nuôi con ăn học. Sau khi chuyển sang đan hàng mã thì thu nhập ổn định hơn, hiện nay trung bình mỗi tháng được khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông bà đã xóa được đói, giảm được nghèo và xây được ngôi nhà khang trang.
Năm nay đã 63 tuổi, các con đều trưởng thành và tự lập về kinh tế nhưng hàng ngày, ông Tình vẫn miệt mài lao động. Bên cạnh nghề đan hàng mã, ông bà còn làm tăm tre để tăng thu nhập. Ngoài ra, sau khi được học nghề tại Hội người mù tỉnh Quảng Ninh, ông Tình cũng làm thêm công việc xoa bóp, tẩm quất tại nhà. Cuộc sống gia đình nhờ vậy mà ngày càng ổn định.
Khác với ông Tình, từ lúc chào đời đến nay, anh Lê Văn Khoa ở thôn Lạch Cát, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, vẫn lờ mờ nhìn thấy, nhưng cũng chỉ đủ để phân biệt được giữa ngày và đêm. Thử thách của số phận không dừng lại ở đó. Ngày nhỏ thì bố mất khi anh mới chập chững biết đi, Lớn lên lập gia đình thì con trai lớn của anh lại bị mù bẩm sinh. Vì vậy, cuộc đời của người đàn ông khiếm thị này luôn là một hành trình không ngừng cố gắng, chiến đấu với nghịch cảnh.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, từ thời niên thiếu, anh Khoa đã lăn lộn với ruộng đồng, lúa ngô. Năm 2007, lần đầu tiên được tiếp cận với quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Hội người mù Việt Nam, anh mạnh dạn vay 5 triệu đồng để đầu tư con giống, phát triển thêm nghề chăn nuôi.
Từ đàn gia cầm vài chục con ban đầu, đến nay sau nhiều lần vay vốn mở rộng sản xuất, anh Khoa đã sở hữu một trang trại nhỏ với gần 100 con ngan, gà, vịt, 2 con trâu. Đàn lợn vừa xuất chuồng 18 con, hiện vẫn còn 5 con. Mô hình đem về cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhận xét về anh Lê Văn Khoa, ông Hoàng Quang Hòa – Chủ tịch Hội người mù TP Cẩm Phả, Quảng Ninh cho biết: Anh Lê Văn Khoa là hội viên rất tích cực, cần cù, chịu khó để vượt lên số phận khi một gia đình mà cả hai bố con đều bị hỏng mắt. Với mô hình kinh tế trang trại này, anh Khoa đã nhiều năm được Hội Người mù các cấp khen thưởng và trở thành tấm gương tiêu biểu để các hội viên khác phấn đấu.
Người Việt có câu: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Nhưng với đôi tay lành lặn và ý chí vươn lên, những người khiếm thị như ông Tình, anh Khoa vẫn có thể tự lực phát triển kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hương Giang
Liên kết website
Ý kiến ()