Tất cả chuyên mục

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khắp nơi trong cả tỉnh Quảng Ninh đều hân hoan với “niềm vui kép”: Vui cùng cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và vui với kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Khu mỏ. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, từ một nơi hoang tàn, kiệt quệ sau chiến tranh, Quảng Ninh đã vươn mình mạnh mẽ trở thành một đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc, nhiều năm liên tục đứng trong tốp đầu các địa phương thu ngân sách cao trong cả nước. Với nỗ lực và quyết tâm cao, Quảng Ninh đang tiếp tục thể hiện sự năng động, sáng tạo trong hành trình vươn lên những tầm cao mới.
Viết nên trang sử hào hùng
Thực hiện Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) ngày 20-7-1954, ngày 8-8-1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh nhưng phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, thì quân Pháp ra sức càn quét cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tháo dỡ máy móc; khuyến khích các đảng phái phản động nổi lên chống phá cách mạng; tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, các địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài. Tỉnh Quảng Yên, khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm trong kế hoạch cưỡng ép di cư của Mỹ và tay sai. Ở đặc khu Hòn Gai, chúng dựng lên “Tổng uỷ di cư” có trụ sở ở Hòn Gai. Đối với mỗi địa bàn, chúng tập trung cưỡng ép di cư vào một đối tượng nhất định. Ở địa bàn Hải Ninh, địch tập trung ráo riết cưỡng ép đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng người Hoa. Ở địa bàn Khu mỏ, chúng tập trung cưỡng ép công nhân có trình độ kỹ thuật cao và tầng lớp cai ký, giám thị. Ở địa bàn Quảng Yên, chúng tập trung vào đồng bào Thiên Chúa giáo, những người trước đây là ngụy quân, ngụy quyền.
![]() |
Đô thị Hạ Long ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Khánh Giang |
Cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam đã diễn ra liên tục từ cuối năm 1954 cho đến ngày ta tiếp quản Vùng mỏ. Ở Hải Ninh, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với mạnh tay trấn áp bọn phản động đầu sỏ ngoan cố; thành lập 3 đoàn cán bộ tổ chức cứu đói ở các huyện Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu. Ở Đặc khu Hòn Gai, nơi đọ sức gay gắt giữa ta và địch trong vấn đề di cư, ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, tổ chức các Đại hội chống Mỹ ở Hoành Bồ, Cái Rồng. Nhân dân đã lập ra các Uỷ ban chống địch cưỡng ép di cư, nhiều nơi ký giấy cam kết không di cư. Cùng với đó, công tác đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép được chỉ đạo chặt chẽ. Cuối năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo Đặc khu uỷ Hòn Gai các đội bảo vệ máy đã được thành lập trong công nhân mỏ. Với sự đấu tranh quyết liệt của công nhân, thực dân Pháp đã thất bại âm mưu di chuyển máy móc trái phép.
Song song với việc đấu tranh, Khu mỏ cũng chuẩn bị các điều kiện cho ngày tiếp quản. Ngày 22-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 221/SL thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai (các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang). Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu uỷ Hồng Quảng quyết định thành lập 2 Đảng uỷ ở 2 thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, các Ban cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Ngày 11-4-1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp. Ngày 18-4-1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22-4-1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24-4-1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24-4, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Giai cấp công nhân mỏ và nhân dân lao động khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh đã viết nên những trang sử hào hùng, giành được hoàn toàn quyền làm chủ quê hương, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Ước mơ đã thành hiện thực
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Đàm (nguyên Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu Hồng Quảng giai đoạn 1952-1961 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 1969-1980) kể: “Khi mới được giải phóng, Khu mỏ rất hoang tàn, kiệt quệ. Khu vực Hải Ninh thì thưa thớt, vắng vẻ. Khu Hòn Gai, Quảng Yên đông hơn nhưng cũng tiêu điều, xơ xác. Thế hệ trẻ không hình dung được ngày đấy đâu. Ví như khu vực Bãi Cháy ngày xưa chỉ toàn là cây cối, đi mãi mới gặp người khác. Rồi còn khu Kênh Liêm, Lán Bè cũng là biển, là bãi sú vẹt… nào có được đông đúc đâu. Quảng Ninh hôm nay là mơ ước của bao nhiêu thế hệ…”.
Từ một vùng đất khó khăn, điêu tàn sau ngày giải phóng, trải qua 60 năm, Quảng Ninh đã trở thành là trung tâm sản xuất công nghiệp, khai thác than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng…; trung tâm du lịch, mỗi năm thu hút hàng triệu khách quốc tế; trung tâm thương mại dịch vụ biên mậu, tốc độ đô thị hoá cao, là tỉnh duy nhất trong cả nước có 4 thành phố và 2 thị xã. Để có kết quả này, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh đã kiên định với con đường mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra; tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước và đạt được nhiều thành tựu. Ngày nay, Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, thách thức, còn lệ thuộc vào sự trợ giúp của Trung ương, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh vươn lên tốp đầu cả nước về thu ngân sách. Tỉnh đã thực hiện thành công việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Những năm qua, tỉnh đã quản lý hiệu quả vốn đầu tư, tăng cường phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản gắn với kiểm tra giám sát (hiệu quả đầu tư công được cải thiện, hệ số ICOR giảm từ mức 9,6 năm 2010 xuống 6,6 năm 2014). Đồng thời, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực thông qua hợp tác công - tư (PPP), do đó tỷ trọng đầu tư vốn nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm (từ 15,8% năm 2011 xuống còn 13,1% năm 2014) nhưng tổng đầu tư toàn xã hội lại tăng (năm 2014 tăng 17% so với năm 2010)...
Đặc biệt, thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đến nay, tỉnh đã điều chỉnh đơn giản hoá 80% thủ tục hành chính, vận hành có hiệu quả các trung tâm hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử. Cùng với đó, tỉnh đã ưu tiên dành trên 35-40% chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo; thực hiện chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài; thành lập Trường Đại học Hạ Long, xây dựng các trung tâm đào tạo nghề ở Móng Cái, Hoành Bồ, Đông Triều, Vân Đồn... Đến nay số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh đã tăng gấp 1,6 lần năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51% năm 2011 lên 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 40,5% lên 46,2%. Và đến nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đưa điện lưới quốc gia đến tận thôn, khu, khe bản trên đất liền, đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, các xã đảo còn lại của huyện Vân Đồn. Hạ tầng giao thông của Quảng Ninh cũng được đầu tư đồng bộ với hàng loạt dự án như: Nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long; đường nối Hạ Long - Hải Phòng; Quốc lộ 18B, 18C; đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái. So với những năm đầu giải phóng Khu mỏ, tốc độ đô thị hoá của Quảng Ninh đã tăng chóng mặt (tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh là 56% so với cả nước 32%); hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng thương mại phát triển (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng siêu thị Metro, siêu thị Big C, Trung tâm thương mại Vincom…); hạ tầng văn hoá du lịch được đầu tư góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch (xây dựng mới Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Quảng trường 30-10, Công viên Hạ Long).
Kỷ niệm 60 năm giải phóng Khu mỏ, nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi người dân Quảng Ninh đều tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông, về đổi thay trên quê hương mình. Niềm tự hào đó sẽ tiếp tục là động lực để góp sức xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp hơn, phát triển hơn.
Hà Chi
Ý kiến ()