Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:55 (GMT +7)
Chắp cánh cho khát vọng chinh phục biển xa
Chủ nhật, 07/07/2024 | 16:06:16 [GMT +7] A A
Giữa cái nóng oi nồng ngày hè và nhịp sống công nghiệp nơi thành phố biển Hạ Long, trong tiếng ồn ầm ào, hỗn tạp của máy cắt thép, tiếng búa, tiếng hàn xì... những kỹ sư, công nhân của nhà máy đóng tàu Hạ Long bằng tâm sức, trí tuệ đang tạo ra những con tàu có trọng tải hàng ngàn tấn với hành trình vươn khơi đầy ấn tượng, gửi gắm trong đó khát vọng chinh phục và phát triển kinh tế, du lịch từ biển.
Đóng tàu – ngành công nghiệp “xương sống”
Đặt chân đến Nhà máy Đóng tàu Hạ Long, tôi có chút choáng ngợp bởi kích cỡ đồ sộ của những con tàu và cảm giác con người dường như thật bé nhỏ giữa không gian này. Nhưng cũng chính họ lại đang làm chủ những kỹ thuật phức tạp và sáng tạo ra những hình hài mới cho những con tàu. Chứng kiến nhịp lao động khẩn trương được tạo ra bởi những người công nhân trẻ tuổi và sự bề thế, hiện đại của máy móc, trang thiết bị ở đây, thật ngạc nhiên khi biết nhà máy đã có lịch sử gần nửa thế kỷ phát triển.
Ông Đàm Đức Kháng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Hạ Long và anh Ngô Văn Tân - một kỹ sư 9X, Trưởng phòng Kỹ thuật - dẫn chúng tôi tham quan nhà máy, tìm hiểu các công đoạn trong quy trình đóng mới một con tàu. Theo lời ông Kháng kể, Nhà máy Đóng tàu Hạ Long được thành lập năm 1976 do các chuyên gia Cộng hòa Ba Lan giúp đỡ với công suất ban đầu là 20 tàu trọng tải 1000 tấn/năm. Sau đó, với việc mở rộng nhà máy, nâng cao công suất, đơn vị đã thực hiện đóng được các sản phẩm tàu trọng tải hàng chục nghìn tấn, tàu chở ô tô xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, còn đóng một số sản phẩm phục vụ cho quốc phòng như tàu Trường Sa, tàu kiểm ngư, tàu quân sự.v.v..
Khi được hỏi về những con tàu đã đi vào lịch sử của nhà máy, ông Kháng nhớ lại: Ngày 6/4/2006, lần đầu tiên trong lịch sử đóng tàu Việt Nam, những người thợ của Nhà máy Đóng tàu Hạ Long đã tự mình đóng được con tàu trọng tải 53.000 tấn mang tên Florence xuất khẩu sang Anh, mở ra một thời kỳ mới của ngành cơ khí đóng tàu Việt Nam trên thế giới. Trên 2.600 CBCNV nhà máy đã lao động miệt mài suốt hơn một năm để tạo nên kỳ tích này. Khoảnh khắc hạ thủy con tàu ấy là khoảnh khắc không thể nào quên với chúng tôi.
Tiếp lời ông Kháng, anh Tân cho chúng tôi biết thêm, hiện nay, nhà máy đóng tàu Hạ Long đang phụ trách đóng nhiều loại tàu như tàu hàng, tàu du lịch, hay các dòng tàu xuất khẩu. Để hoàn thiện đóng mới một con tàu phải mất từ vài tháng đến 1- 2 năm tùy theo độ lớn của tàu và trải qua nhiều công đoạn từ lên bản vẽ thiết kế, thi công, ráp nối các bộ phận đến sơn, hạ thủy tàu. Đây là những công việc không hề đơn giản, cần sự tham gia của rất nhiều ngành chuyên môn. Vỏ tàu, máy tàu là hai ngành chính, bên cạnh đó còn có ngành điện, vô tuyến, cần cẩu, máy neo, rồi nghề hàn, tiện nguội, tiện phay, nghề sơn, v.v..
Năm 2023, Công ty đóng tàu Hạ Long đã thi công đóng mới và sửa chữa trên 30 tàu hàng, tàu du lịch và du thuyền cao cấp, trong đó có 4 tàu dịch vụ điện gió do đối tác nước ngoài Damen đặt hàng. Tháng 10/2023, Nhà máy Đóng tàu Hạ Long đã bàn giao du thuyền Essence Grand Ha Long Bay Cruise - “siêu” du thuyền nghỉ đêm lớn nhất trên Vịnh Hạ Long tính đến thời điểm hiện tại với sức chứa lên đến hơn 300 khách, tiêu chuẩn 6 sao. Đến nay, nhà máy đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2027.
Hành trình vươn khơi
Trong xưởng đóng tàu của nhà máy, dù đã gần đến giờ nghỉ trưa, công nhân nhà máy vẫn miệt mài lao động để kịp tiến độ hoàn thành, bàn giao tàu cho đối tác. Quan sát cách họ làm việc trong những bộ đồ bảo hộ lao động bịt kín cả ngày để đảm bảo an toàn, tránh sức nóng từ máy hàn, máy cắt và hạn chế tiếng ồn, khói bụi, mùi sơn, mới cảm nhận được phần nào những vất vả và sự say sưa với nghề của họ.
Đóng tàu vốn là một ngành công nghiệp nặng. Những người thợ gắn bó với công việc đóng tàu thường xuyên phải làm việc trong điều kiện vất vả, nặng nhọc với những rủi ro thường trực. Ngành này cũng đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cao. Thế nên, để đáp ứng được yêu cầu công việc này đòi hỏi cán bộ kỹ thuật, công nhân đóng tàu phải không ngừng cập nhật những công nghệ đóng tàu mới, có sức khỏe, khả năng chịu đựng môi trường làm việc khắc nghiệt, trình độ tay nghề cao, sự cẩn trọng, am hiểu chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với nghề.
Anh Phạm Văn Ninh, Điều độ viên Phân xưởng gia công và lắp ráp chi tiết, Công ty Đóng tàu Hạ Long cho biết: Chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề an toàn. Trước khi vào ca làm việc mọi người đều phải có ý thức đeo dây an toàn, giày, mũ và gang tay, khẩu trang, nút chống ồn. Sau mỗi ca làm việc tất cả đều phải kiểm tra lại vị trí làm việc của mình, thu gọn dây ô xi, dây ga, dây hàn và khóa van ô xi, van ga, ngắt nguồn điện chiếu sáng.
Công việc của người thợ đôi khi còn phải cheo leo trên giàn cao để hàn vỏ tàu, mài mối hàn, hoàn thiện các chi tiết. Thậm chí, khi đấu đà, ghép nối các block trên triền để hình thành nên con tàu hoàn chỉnh, họ phải hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt, mùi dầu, mùi tôn mới, tiếng đe búa đinh tai váng óc.
Vất vả là thế, tuy vậy, với tình yêu nghề, tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long không chỉ cánh đàn ông mà nhiều chị em phụ nữ cũng đã có thâm niên hơn 20 năm làm việc, chủ yếu phụ trách các công đoạn hàn và mài các mối hàn. Có những gia đình cả vợ và chồng đều làm trong nhà máy. Họ yêu nghề, vượt lên vất vả, khó khăn để gắn bó với nghề.
Thông thường, trong tất cả các công đoạn đóng tàu, việc hạ thủy con tàu là thời khắc đặc biệt quan trọng và đòi hỏi sự tính toán rất chi tiết. Tới nay, Nhà máy Đóng tàu Hạ Long đã hạ thủy thành công nhiều con tàu có trọng tải hàng chục nghìn tấn, khẳng định vị thế ngành công nghiệp đóng tàu của Quảng Ninh đối với cả nước. Mỗi con tàu được hoàn thiện là công sức của hàng nghìn con người, miệt mài lao động trong nhiều tháng, nhiều năm. Vì vậy, đó cũng là thời khắc thật nhiều cảm xúc với tất cả những ai gắn bó với công việc này.
Anh Cao Sĩ Hội, công nhân Công ty Đóng tàu Hạ Long bộc bạch: Mỗi khi có một con tàu hạ thủy là niềm tự hào của toàn công ty, của cán bộ, công nhân viên khi được tận mắt chứng kiến những con tàu được về với biển khơi. Còn với anh Ngô Văn Tân – Trưởng phòng Kỹ thuật, việc tính toán hạ thủy con tàu cũng là nhiệm vụ nhiều thách thức, khó khăn nhất trong nghề, cần thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong 10 năm gắn bó với công việc này, anh đã tham gia nghiên cứu hạ thủy thành công hàng chục con tàu, trong đó có nhiều tàu xuất khẩu. Đó là điều rất đáng tự hào trong nghề nghiệp.
Hiện nay, công nghệ đóng tàu đã có nhiều bước tiến mới, lắp đặt theo modul, tức là hoàn thiện từng phân đoạn sau đó lắp ráp vào nhau thay vì cách đóng tàu cũ là hoàn thiện phần khung vỏ rồi mới lắp các chi tiết. Ngành đóng tàu đang bứt phá mạnh mẽ, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt với Quảng Ninh là tỉnh giáp biển, vùng có vận tải, cảng biển, cửa khẩu, du lịch thì các sản phẩm tàu biển càng trở nên thiết yếu. Và những người làm công việc đóng tàu cũng luôn sẵn sàng tâm thế vươn khơi cùng những con tàu để kiến tạo nên những hành trình đáng tự hào của riêng mình.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()