Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:42 (GMT +7)
Vùng quê với những cây cầu
Thứ 7, 05/02/2022 | 15:23:21 [GMT +7] A A
Đêm trước đó, cả vùng làng đảo cùng thức. Sáng sớm, hàng vạn người đã háo hức chờ đợi để bước qua cây cầu thực mà như mơ...
Với cư dân vùng quê làng đảo Hà Nam - thị xã Quảng Yên, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến nay có bốn cuộc đổi đời lớn thay đổi hoàn toàn diện mạo mảnh đất và con người nơi đồng chua nước mặn. Có thể nói không ngoa rằng: Với những cuộc đổi đời ấy, tầm vóc của phường xã không thể tính trị giá bằng bao nhiêu chặng đường hình thành và phát triển gần 600 năm (1434-2022) bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, từ khi nơi đây còn là rừng sú vẹt và bãi triều ngập mặn hoang vu giữa thế kỷ 15.
Cách mạng Tháng Tám mùa thu 1945 là cuộc đổi đời thứ nhất đã đưa người nông dân Hà Nam “Rũ bùn đứng dậy sáng loà” (thơ Nguyễn Đình Thi) dưới bầu trời độc lập, tự do.
Cuộc đổi đời thứ hai là mùa xuân năm 1980 đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng, dòng nước ngọt đầu tiên chảy từ công trình thuỷ lợi hồ Yên Lập qua hệ thống kênh mương, qua hai ống xi phông đặt ngầm dưới lòng sông Chanh, đã sang đảo Hà Nam. Tới nay, các công trình nước sạch nông thôn của các xã trị giá hàng tỷ đồng đã hoàn thiện đưa nước sạch đến các khu dân cư. Hình ảnh vặn vòi nước máy như thành thị đã là hiện thực đối với người nông dân chân lấm tay bùn...
Cuộc đổi đời thứ ba là: Đến ngày 18/3/1989, ánh điện đầu tiên do đường điện lưới quốc gia chăng qua sông Chanh sang Hà Nam thắp lên ở trạm điện đò Chanh, xã Nam Hoà. Tiếp theo là một loạt các xã. Năm 1998, xã mới Tiền Phong mới thành lập ở cực nam vùng làng đảo cũng là xã cuối cùng có điện. Ánh điện sáng bừng đêm đêm trong các thôn xóm gần xa.
Tiếp theo là cuộc đổi đời thứ tư đang chuyển động thành hiện thực với tốc độ rất nhanh chóng: Cuộc đổi đời bởi những cây cầu!
Khi vùng đất Hà Nam xuất hiện, ngẫu nhiên dòng sông Chanh chia đôi huyện Yên Hưng (cũ) thành hai khu vực Hà Bắc và Hà Nam. Các làng xã ngày càng phát triển trù mật. Dân số gia tăng. Nông sản, hàng hoá thêm dồi dào. Nhu cầu xã hội giữa hai khu vực và các nơi càng thêm mở rộng nhưng mạch máu giao thông cho đến tận năm cuối cùng của thế kỷ 20 vẫn còn ách tắc, vẫn còn nhờ vào những con đò và phà máy, rồi mới tiếp tục toả đi các nơi. Bến phà Chanh là nút giao thông quan trọng của cả huyện. Biết bao nỗi niềm chờ đợi cần giải toả trong ngày...
Trong ký ức cư dân Hà Nam vẫn còn đó những trận bão lớn như trận bão năm Ất Mùi 1955 từng dìm đắm vùng đảo, tàn phá bao làng mạc và hàng trăm, hàng ngàn người thiệt mạng. Ngày nay, tuy vòng đê đã được nâng cấp, tôn tạo, lát mái, xây bờ chắn sóng nhưng họa bão lụt vẫn còn đe doạ xung quanh. Ai dám chắc nơi đây sẽ không còn gặp thiên hoạ bất ngờ? Nên cây cầu thực sự là một sự đổi đời to lớn mà chỉ dân vùng “lòng chảo” luôn phải thường trực trước nguy cơ bão lụt mới thấm đẫm sâu sắc ý nghĩa của nó!
Từ một ý tưởng táo bạo, Dự án cầu Sông Chanh đã ra đời. Sau 900 ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo, cây cầu dài 1.500m bằng bê tông cốt thép đã hiện lên như một áng cầu vồng. Ngày 24/7/2001, một ngày mùa thu trời trong xanh và mây trắng, là một ngày hội lớn chưa từng có của nhân dân đôi bờ sông Chanh, đặc biệt đối với cư dân các làng xã đảo Hà Nam!
Đêm trước đó, cả vùng làng đảo cùng thức. Sáng sớm, hàng vạn người đã háo hức chờ đợi để bước qua cây cầu thực mà như mơ. Trong đó có những người áo vải nâu sồng 56 năm trước vượt sông đi giành chính quyền cách mạng tỉnh lỵ Quảng Yên. Đôi mắt họ đã ứa những giọt lệ hạnh phúc vì hai lần qua sông đầy ý nghĩa được lịch sử vùng đất này ghi dấu ấn. Họ đã đi trên mặt nước và đi trên lưng trời để được nhìn thấy trước mặt là phố huyện rực rỡ nắng vàng thu. Dòng sông ngăn cách đôi bờ bấy lâu đã được cây cầu nối lại liền mạch giao thông! Những cuộc sơ tán dân chạy tránh các cơn bão tháng Tám năm 1955, cơn bão số 7 năm 2005 càng khiến người dân quê tôi thấm thía ý nghĩa của cây cầu - cuộc đổi đời đến khó tin này!
Trang lứa chúng tôi, tuổi thiếu niên nhi đồng, không ít bạn phải qua đò Chanh để sang học trường huyện. Chúng tôi có buổi lỡ đò phải đứng đến hàng giờ để đợi đò. Mùa hạ thì tha hồ đầu trần phong phanh gió nắng nhưng mùa đông, gặp những hôm trời động bấc, đứng trên bờ ngóng bóng đò sang, phải lót sách vào lồng ngực để tránh những làn gió lạnh cho đỡ rét. Chỉ mong sao rồi đây khúc sông này sẽ xuất hiện một cây cầu. Tôi cũng đã chứng kiến cảnh những cuộc đưa đón dâu đôi bờ sông qua bến đò Chanh. Chú rể phải thận trọng dắt tay cô dâu bước xuống đò. Gió to, sóng vỗ lớn, nước sông phả ướt cả áo cưới.
Và giấc mơ về cây cầu ấy đã thành hiện thực. Nơi thượng lưu sông Chanh đã soi bóng dòng sông một cây cầu Sông Chanh, mở đầu cho những ước mơ. Những chuyến đò đã khuất vào dĩ vãng, khuất vào bến trăng xưa. Những gánh hàng hoa đón Tết đến Xuân về đã qua cầu như mang cả sắc xuân mọi nơi sang những phiên chợ tết các làng xã Hà Nam. Hạt gạo thơm ngon từ các cánh đồng, con cá con tôm tươi rói từ các đầm thủy sản Hà Nam nhanh chóng qua cầu tỏa đi các nơi. Như thể cả dòng sông theo gió bay lên...
Dự án đường cao tốc và cầu Bạch Đằng xuyên qua Hà Nam được xây dựng đã tạo mối giao thông vùng tam giác kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội. Đó là sự kiện đổi đời tiếp theo góp phần đổi mới diện mạo tổng thể của thị xã Quảng Yên. Trên hệ thống đường cao tốc này, cây cầu Hà An đã nối đôi bờ sông Chanh vùng hạ lưu. Hà An là một xã “vùng kinh tế mới”, sau là phường Hà An; là kết quả, là sản phẩm đất đai của cuộc chinh phục biển khơi, mở rộng ra phía đông của huyện Yên Hưng những năm 1968-1970. Hà An trở thành một “Vương quốc thuyền buồm” của những người dân làm nghề vận tải trên sông biển.
Mỗi lần đi Hà An, quê hương mới của cư dân Hà Nam, hay từ Hà An sang quê cũ Hà Nam, người dân phải lụy những chuyến đò chèo tay, đò máy ì ạch qua sông. Những lúc lỡ đò, khách phải đợi hàng giờ hoặc phải đi “đò chui” là những chiếc thuyền nan mỏng mảnh. Những lúc ngược nước, ông lái, hoặc cô lái phải chèo bửa ngực mới vượt được sóng. Cây cầu đã nối tình thân, tình ruột thịt, tình yêu lứa đôi về với nhau trong khoảnh khắc. Cây cầu cho ta cảm giác kéo Vịnh Hạ Long gần lại như một bức tranh sơn thủy hữu tình của thiên nhiên bày ngay trước mặt.
Những ngày cuối năm 2021, cư dân đôi bờ sông Chanh lại được chứng kiến thêm một niềm vui vô bờ bến. Đó là cây cầu thứ ba (tạm gọi là cầu Sông Chanh 2) bắc từ Chợ Rộc sang Đò Lá.
Sáng 19/11/2021, thị xã Quảng Yên đã long trọng tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật và khánh thành dự án cầu Đò Lá và đường nối từ nút giao Chợ Rộc đến nút giao Phong Hải. Đây là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 10 năm tái lập thị xã Quảng Yên (25/11/2011-25/11/2021).
Cầu Đò Lá trên sông Chanh được thiết kế 17 nhịp, dài hơn 760m, rộng 12m. Cầu xây dựng 2 mố, 16 trụ với 2 làn xe có mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng. Dự án cầu này khởi công xây dựng vào cuối tháng 11/2019. Đây là hạng mục có giá trị lớn nhất thuộc Dự án đường từ nút giao Chợ Rộc đến nút giao Phong Hải có tổng mức đầu tư cả dự án hơn 375 tỷ đồng. Cây cầu kết nối giao thông thuận lợi đôi bờ Nam - Bắc đến các khu công nghiệp phát triển năng động trong Khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Đồng thời là đòn bẩy cho Khu kinh tế ven biển Quảng Yên thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào các dự án trọng điểm. Qua đó, tạo động lực cho kinh tế Quảng Yên phát triển bứt phá thời gian tới. Tâm tư tình cảm người dân quê tôi mong muốn và đã đề nghị lãnh đạo thị xã Quảng Yên đặt tên cây cầu này là cầu Đò Lá, muốn giữ lại những địa danh quê hương cũng như giữ lại bản sắc văn hóa của vùng miền. Bến Đò Lá những năm thời Kháng chiến chống thực dân Pháp từng là địa điểm bí mật cất giữ và chuyển tài liệu của các cán bộ Việt Minh hoạt động góp phần vào cuộc kháng chiến thành công.
Nghe tin cầu Đò Lá khánh thành, sáng hôm ấy, cụ Phạm Thị Xen, 91 tuổi ở phường Yên Hải bảo đứa cháu trai gọi xe taxi chở cụ lên thăm cầu. Tới nơi, cụ bước xuống đi bộ. Khóe mắt già ứa lệ. Cụ nói trong tiếng gió thổi lưng trời: Ngày xưa cụ từng tới bến Đò Lá dưới kia đưa và nhận tài liệu mật của cán bộ Việt Minh. Rồi sang Chợ Rộc mua khoai, mua sắn... Hồi ấy phải đi đò vượt sông, mặc mưa to gió lớn. Rồi kéo thuyền nan qua cống, chèo ra bãi đảo Tuần Châu soi còng bắt cáy. Đời các cụ không dám nghĩ tới nơi đây sẽ có cầu. Vậy mà bây giờ như một giấc mơ. Qua cầu sang Chợ Rộc gần quá!.
Tiếp theo sẽ là một cây cầu mới nữa bắt đầu soi bóng dòng sông: Cầu Rừng trên cửa sông Bạch Đằng lộng gió. Được biết, phương án thiết kế cầu Rừng có tổng chiều dài cầu hơn 1.857m. Chiều dài nhịp chính hơn 200m. Mặt cắt ngang cầu 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.950 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Như vậy, trên sông Bạch Đằng cùng nhánh sông Chanh của nó chảy ra phía vịnh Hạ Long đến năm 2024 hiển hiện 4 cây cầu nối mạch giao thông với các nơi. Những cây cầu sẽ như những áng cầu vồng hiện ngang trong nắng gió. Diện mạo vùng quê Hà Nam, diện mạo thị xã Quảng Yên ngày càng đổi mới và phát triển, đẩy mạnh tốc độ làng hóa phố, xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Nhịp sống mới bừng lên chảy nhựa sống dòng đời qua những cây cầu bắc ngang sông đi nuôi cơ thể quê hương đất nước!
Bước chậm rãi trên cây cầu Đò Lá thoảng mùi nhựa đường mới trải, sớm xuân nay, tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Lê Hữu Lịch từng thốt lên khi ông qua cây cầu mới quê hương: Mùa về anh tới, em sang. Giang tay buộc dải yếm vàng lên mây!
Bút ký của Dương Phượng Toại
Liên kết website
Ý kiến ()