Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:25 (GMT +7)
Vùng mỏ những ngày đầu tiếp quản
Chủ nhật, 01/05/2022 | 10:39:49 [GMT +7] A A
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, ông Hoàng Tuấn Dương là 2 trong số nhiều cán bộ có mặt ngay từ những ngày đầu tiếp quản, gắn bó cùng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khôi phục Vùng mỏ sau khi giải phóng. Bao nhiêu khó khăn, gian khổ trong thời kỳ hào hùng đó là những kỷ niệm khó phai mờ theo suốt cuộc đời của họ những năm tháng sau này.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đàm (vốn được nhiều đồng chí, đồng đội của ông gọi thân mật là bác Năm) ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, để nghe ông kể về những trang sử đã qua của vùng đất này. Ông Đàm vốn quê ở Bắc Giang, theo anh trai là công nhân Nhà máy Kẽm ra Quảng Yên, vừa học vừa làm liên lạc cho anh trai và các đồng chí của anh. Những ngày tháng hoa niên sôi nổi đã giúp ông trưởng thành nhanh chóng, để sau này trở thành cán bộ cốt cán của Vùng mỏ.
Với ông Nguyễn Ngọc Đàm cũng như nhiều người đương thời, sự kiện ta tiếp quản Vùng mỏ (25/4/1955) là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Những ngày tháng sôi nổi đó đã in đậm trong tâm trí ông Đàm đến tận bây giờ. Lúc đó, ông Nguyễn Ngọc Đàm đang làm quyền Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Hồng Gai, được giao là Phó ban Quân quản vào tiếp quản TX Hòn Gai.
Gần 7 thập kỷ đã qua, nhưng ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử với ông lão bách niên này vẫn chưa hề phai mờ. Ông Đàm cùng Ban Quân quản đóng tại Đông Triều. Ông từ Đông Triều về SVĐ Hòn Gai trên một chiếc xe rất cũ có từ thời Nga hoàng. Sáng 25/4/1955, quân dân TX Hòn Gai và khu Hồng Quảng tổ chức mít tinh trọng thể để chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn khu mỏ, ra mắt Ủy ban Quân chính Hồng Quảng và đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân, dân Hồng Quảng.
Kể từ đó, nhân dân ta đã làm chủ Vùng mỏ. Những hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, ruộng vườn, đồi núi, sông biển đã do nhân dân làm chủ để bước vào thời kỳ mới, đấu tranh thống nhất nước nhà và dựng xây đất nước. Sau tiếp quản Vùng mỏ, là người đứng đầu chính quyền ở khu mỏ, ông Nguyễn Ngọc Đàm đã tập trung lãnh đạo khôi phục sản xuất than và hoạt động của các nhà máy cơ khí để phục vụ cho việc sửa chữa máy móc, ô tô vận chuyển, máy xúc, máy gạt, xe goòng cho khai thác than. Nhờ đó, việc sản xuất than từng bước được khôi phục hoạt động, nhất là ở khu vực Cẩm Phả.
Những sự việc, sự kiện diễn ra ở thời kỳ đó vô cùng sôi nổi, phong phú, mà đến tận bây giờ, dù đã bước sang tuổi bách niên ông vẫn còn nhớ mãi. Tuổi tác đã làm cho những mảnh ghép ký ức ấy có thể đứt đoạn, chắp nối, nhưng có một điều bác Năm không thể nào quên là tinh thần lao động hăng hái, không quản khó khăn gian khổ của công nhân mỏ. Từ trong ánh mắt mỗi người đều toát ra niềm tin tưởng. Từ những việc làm và cả khúc hát trong sản xuất, sau mỗi ngày lao động của họ đều thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Với ý thức tự giác cách mạng rất cao, họ là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của chính quyền và đó cũng là biểu hiện của truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của người Vùng mỏ.
Thời gian có thể lùi xa, nhiều việc xưa đã trôi vào dĩ vãng, nhưng ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh thì mãi mãi không quên được những kỷ niệm về Vùng mỏ những năm đầu tiên sau ngày tiếp quản. Nhiều công trường, thiết bị máy móc ở Vùng mỏ cần phải khôi phục mới có thể hoạt động trở lại được. Ở Hà Tu, những ngày sau khi tiếp quản, chỉ có công trường Bàng Danh A là còn hoạt động với trên 400 công nhân lao động thủ công. Cán bộ, công nhân đã khắc phục mọi khó khăn, khôi phục lại tầng mỏ. Công nhân các công trường đã sôi nổi ra quân với khí thế hào hùng của những người làm chủ, đi vào sản xuất những tấn than đầu tiên, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Ngày 15/5/1955, các xí nghiệp quốc doanh ngành Than ở khu Hồng Quảng ra đời. Để chuẩn bị cho việc bãi bỏ chế độ chủ thầu trong ngành Than như trước kia, Đảng bộ khu Hồng Quảng đã phát động phong trào công nhân tự quản lý sản xuất. Đến tháng 9/1955, chế độ chủ thầu và sử dụng chuyên gia tư sản Pháp quản lý xí nghiệp than đã bị bãi bỏ. Đồng thời, khu mỏ thành lập các ban quản trị các xí nghiệp để điều hành mọi hoạt động khai thác than.
Hưởng ứng phong trào công nhân tự quản lý sản xuất, tinh thần làm chủ trong công nhân đã được thể hiện ngày càng cao hơn. Chế độ quản lý dân chủ bước đầu đã gắn bó được trách nhiệm với quyền lợi của công nhân, tạo ra một khí thế lao động mới. Do đó, kế hoạch sản xuất hằng tháng, hằng năm đều hoàn thành vượt mức đề ra. Công nhân mỏ Cẩm Phả đã khôi phục đường trục số 2 công trường Đèo Nai, đường trục lớn nhất Cẩm Phả lúc đó chỉ trong 20 ngày, sớm hơn 160 ngày so với dự kiến. Đường trục đã tiết kiệm 1.170 nhân công và hơn 832 vạn đồng tiền nguyên vật liệu.
Công nhân Xí nghiệp bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông) đã nhanh chóng sửa chữa, khôi phục hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng một máy sàng than trước thời hạn dự định. Việc này đã tiết kiệm 141 ngày công và 830.000 đồng tiền vật liệu. Đồng thời, tuyến đường sắt vận chuyển than Cửa Ông - Cẩm Phả cũng được khôi phục. Đường trục số 2 Đèo Nai và nhà sàng Cửa Ông đi vào hoạt động đã tăng sản lượng than đến 3.400 tấn/ngày, gấp 1,5 lần so với ngày đầu tiếp quản. Theo nhận định của ông Hoàng Tuấn Dương, đây là thành tích nổi bật nhất trong những ngày đầu tiếp quản, là dấu son tô đậm thêm trang sử vẻ vang, kiên cường, bất khuất của công nhân mỏ, những người luôn tiên phong trong mọi lĩnh vực, vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ khoa học kỹ thuật.
Năm 1956, sau một năm tiếp quản việc khôi phục sản xuất vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của các mỏ. Vùng mỏ đã khôi phục sửa chữa tuyến đường sắt Hồng Gai - Hà Tu đưa vào sử dụng. Một số thanh niên xung phong sau khi hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan đã được điều về khu mỏ. Xí nghiệp quốc doanh Than Hồng Gai (tiền thân của TKV) đã đưa lực lượng xung phong đi xẻ núi làm đường tàu. Nhờ có những tuyến đường sắt đó, nên việc vận chuyển than thuận lợi hơn. Công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế ngày một đi vào nền nếp. Quyền làm chủ của công nhân mỏ được phát huy, năng suất và hiệu quả lao động nâng lên. Đời sống của công nhân mỏ ngày càng được cải thiện.
Những năm sau đó, Nhà nước đã đầu tư cho ngành Than nhiều phương tiện, thiết bị, máy móc, như: Máy xúc, máy khoan, xe ô tô và một số công cụ khác để bước đầu thực hiện cơ giới hóa dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, có một thực tế là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức quản lý của cán bộ lúc đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, để cho cán bộ có thể làm chủ được máy móc, phương tiện và công nghệ hiện đại, Vùng mỏ đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn, bổ túc văn hóa ngoài giờ, các lớp học ngắn ngày, vừa học vừa làm, các lớp trung cấp...
Ông Hoàng Tuấn Dương đưa chúng tôi lên mỏ Hà Tu, nơi xưa kia ông từng gắn bó. Đã lâu không lên mỏ, nên ông Dương tỏ ra khá bất ngờ. Nhìn những thiết bị, máy móc hiện đại của ngành Than hôm nay, ông nao nao nhớ về kỷ niệm một thời làm than thủ công của mình. Hồi ức về Vùng mỏ sau những ngày tiếp quản giờ chỉ còn trong tâm trí ông, qua những câu chuyện kể của ông với đồng nghiệp, với lớp trẻ kế cận. Câu chuyện về những năm tháng hào hùng đó tưởng chừng những người như ông Dương, ông Đàm kể không bao giờ hết.
Như để cho chúng tôi được “cận mục sở thị”, ông Nguyễn Ngọc Đàm bảo cùng ông lên khai trường mỏ Hà Lầm để ông chỉ cho ngành Than đã phát triển vượt bậc thế nào. Quả thật, cái hình ảnh thợ mỏ thời đội than, gùi than trên lưng giờ chỉ còn trong câu chuyện của ông, trong tâm trí ông. Giờ đây, ngành Than đã có những trang thiết bị kỹ thuật khai thác hiện đại ngang tầm với ngành mỏ của thế giới.
Dẫn chúng tôi đi xem không gian trưng bày hiện vật ngành Than ở Bảo tàng Quảng Ninh, ông Nguyễn Ngọc Đàm như một vị già làng kể chuyện sử thi của Vùng mỏ. Vốn là dân cơ khí lại là lãnh đạo ngành Than, nhưng nhiều lúc ông cũng phải lắc đầu không thể gọi tên những máy móc, thiết bị hiện đại mà ngành Than đang dùng bây giờ. Ông thích thú khi xem triển lãm ảnh do ngành Than tổ chức. Ông hạnh phúc khi thấy những hình ảnh máy móc hiện đại mà thời ông có đến mơ cũng chẳng dám chứ đừng nói tới sở hữu.
Truyền thống của người thợ mỏ không chỉ được nhân dân Vùng mỏ phát huy trong sản xuất mà cả trong chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1967, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm làm việc với các mỏ than, động viên công nhân mỏ lên đường nhập ngũ. Tổng cộng đã có khoảng 2.000 công nhân mỏ lên đường, được xây dựng thành 3 tiểu đoàn nhưng không gọi là trung đoàn hay sư đoàn mà ông Nguyễn Ngọc Đàm đặt tên là Binh đoàn Than. Thực chất, Binh đoàn Than không phải là một phiên hiệu trong quân đội, nhưng đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước như một huyền thoại, trở thành nỗi khiếp sợ của quân Mỹ - Ngụy.
Ngọn lửa than, ngọn lửa nhiệt tình cách mạng mà thế hệ các ông đã gây dựng đang được chuyển trao trọn vẹn cho thế hệ hôm nay. Trang sử thi hào hùng của Vùng mỏ mà các ông đã viết lên, đã kể lại đã và đang được viết tiếp đầy sôi nổi và trách nhiệm...
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()