4
18
/
1100468
Vùng đất hạnh phúc
longform
Vùng đất hạnh phúc

Hơn mười năm qua, Quảng Ninh đã có sự phát triển không ngừng, trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế -xã hội của khu vực phía Bắc. Những thành tựu của Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua đã thể hiện rõ bản lĩnh, năng lực của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực không ngừng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, không chỉ kinh tế vững vàng mà các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Ninh... cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thực tế này khẳng định, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo rất nhịp nhàng giữa phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm con người là trung tâm, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Trên quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã nêu lên, mà cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần.



Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Công tác quản lý giáo dục được đẩy mạnh, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; rà soát, sắp xếp hợp lý các trường, điểm trường mầm non, tiểu học; điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp nhằm tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng dạy và học. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh đi học tại các trường, điểm trường ở xa nhà; học sinh có hoàn cảnh khó khăn học ở trường ngoài công lập. Chấn chỉnh hiệu quả hoạt động dạy thêm, học thêm được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Bước đầu triển khai thí điểm mô hình “lớp học thông minh”; vận dụng linh hoạt hình thức PPP để đẩy mạnh xã hội hóa đối với cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi.



Tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trung ương về phát triển y tế và ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế, trong đó có nhiều mô hình chuyên sâu. Đồng thời, tập trung rà soát, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình và lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Chủ động trong công tác y tế dự phòng, nâng cao hiệu quả năng lực dự báo, phát hiện, kiểm soát và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19; công tác quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.


Trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, Đảng bộ, chính quyên, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tự lực, tự cường, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nghiêm túc quán triệt, quyết liệt triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương bằng những chủ trương, chiến lược, giải pháp đúng đắn, khoa học, kịp thời mang tính tổng thể; kiên trì thực hiện phương châm “5 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, rà soát, xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch ở cấp xã, cấp huyện, liên thông tổng thể với cấp tỉnh, bảo đảm phù hợp với khả năng ứng phó, năng lực y tế của từng địa bàn. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác phòng, chống dịch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại cơ sở, nhất là các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.

Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tỉnh đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “3 trước”, “4 tại chỗ”.



Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững để lãnh đạo thực hiện. Đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Đề án “Phát hiện tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh” phát huy hiệu quả. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 94% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn.

Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.

Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ; tỷ lệ dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 29% năm 2015 lên 36,6% năm 2020. Nhiều vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia đoạt huy chương tại các giải khu vực và quốc tế; các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh phát triển mạnh như: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua...

Vỉa hè tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) được lắp đặt nhiều dụng cụ thể dục phục vụ nhu cầu luyện tập của người dân.

Có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với các công trình nổi bật như: Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh; Công viên hoa Hạ Long; Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Sân vận động Cẩm Phả; Trung tâm huấn luyện và thể thao Quảng Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên).... Đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân như Công viên Đại Dương, Quần thể Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, các rạp chiếu phim công nghệ hiện đại…

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là Trung tâm truyền thông cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước được thành lập hoạt động theo Luật Báo chí và Quy hoạch Báo chí quốc gia.

Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; tính chuyên nghiệp được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đề xuất thí điểm triển khai xây dựng Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở sáp nhập các cơ quan báo chí, phát triển đúng quy hoạch báo chí quốc gia, đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả tích cực.



Thực hiện: Bảo Bình - Lan Anh

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà


“Phát triển xanh” - Lựa chọn của Quảng Ninh
"Tăng trưởng “xanh” không chỉ thuần túy là khái niệm kinh tế học sinh thái mà còn hàm chứa giá trị văn hóa - nhân văn sâu sắc. Phát triển xanh, tăng trưởng xanh là lựa chọn của Quảng Ninh” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký.  
   
Đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường kiểm soát quyền lực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta".