Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:24 (GMT +7)
Vừa đi nắng về tuyệt đối không làm 3 điều này
Thứ 4, 22/06/2022 | 16:48:21 [GMT +7] A A
Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.
Đi tắm
Vào mùa hè nắng nóng, vận động một chút cũng khiến bạn ra nhiều mồ hôi. Hầu hết mọi người đều cảm thấy mồ hôi rất khó chịu nên muốn đi tắm ngay.
Trên thực tế, việc đi tắm với cơ thể mồ hôi nhễ nhại là không tốt cho sức khỏe. Theo đó, khi cơ thể toát mồ hôi và tỏa nhiệt, tắm sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mồ hôi không thoát được ra ngoài làm giảm thân nhiệt, dễ gây cảm lạnh.
Ngoài ra, sau khi vừa vận động hay đi ngoài trời nắng về, nhịp tim vẫn còn nhanh, nhiệt độ cơ thể cao, lỗ chân lông giãn nở. Tắm ngay sẽ làm máu không lưu thông tới những bộ phận quan trọng trên cơ thể, dẫn tới tình trạng thiếu máu tim, não cục bộ.
Bên cạnh đó, vào mùa hè nóng nực, nhiều người thích tắm nước mát để giải nhiệt. Tuy nhiên trên thực tế ngay cả giữa trời hè, việc tắm nước có nhiệt độ nước quá lạnh cũng không tốt cho cơ thể.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ bình thường của cơ thể con người là khoảng 36,5 độ C. Việc tắm nước quá lạnh sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa cơ thể và môi trường. Điều này khiến chúng ta dễ đối mặt với tình trạng sốc nhiệt.
Uống quá nhiều nước
Do nhiệt độ cao và đổ mồ hôi nhiều, tốc độ mất nước của cơ thể sẽ được đẩy nhanh hơn vào mùa hè. Do đó, sau khi vận động hoặc đi ngoài trời nắng nóng về, nhiều người có thói quen uống nước từng ngụm lớn và uống nhanh, uống nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu chúng ta uống nước quá nhanh, nước sẽ nhanh chóng đi vào máu, làm cho máu loãng hơn và tăng thể tích máu đột ngột. Tình trạng này gây gánh nặng cho tim và mạch máu của cơ thể.
Khi uống quá nhiều nước hơn mức cơ thể cần, thận sẽ phải làm việc thêm giờ để lọc lượng nước dư thừa ra khỏi hệ thống tuần hoàn, gây hư hại, tổn thương.
Điều đáng chú ý là nồng độ muối trong máu và các tế bào thường tương đương nhau. Nếu máu đột nhiên trở nên loãng hơn, nó có thể khiến các tế bào, đặc biệt là các tế bào não phình to lên, tạo ra áp lực trong sọ, dẫn đến hiện tượng đau đầu và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Vào phòng điều hòa mát lạnh
Trong những ngày nắng nóng cao điểm như hiện nay, điều hòa trở thành thiết bị không thể thiếu của nhiều gia đình Việt. Khả năng làm mát vượt trội của điều hòa giúp đem lại cảm giác dễ chịu giữa mùa hè oi bức nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người lớn tuổi.
Cụ thể, khi từ ngoài trời nắng nóng bước vào phòng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp dễ dẫn đến hiện tượng co mạch. Khi mạch não bị co lại đột ngột làm thiếu máu đến não có thể gây ra đột quỵ do nhồi máu não. Ngoài ra, do khả năng tự điều chỉnh suy giảm ở người cao tuổi, sự co mạch do chênh lệch nhiệt độ lớn có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát cũng có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
Để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi vừa đi nắng về, chúng ta không nên vào phòng lạnh ngay, mà cần vào một phòng trung gian không bật điều hòa. Điều này giúp cơ thể thích nghi dần với sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và môi trường trong nhà. Cùng với đó, chúng ta có thể tập một vài động tác nhẹ nhàng ở vùng cổ hoặc đi lại, trước khi vào phòng điều hòa để tránh tình trạng co mạch đột ngột do chênh lệch nhiệt độ gây hậu quả nghiêm trọng về tim mạch.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không nên đặt điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, mức nhiệt 25-26 độ C là phù hợp để cân bằng giữa sự an toàn và nhu cầu làm mát. Trong quá trình sử dụng điều hòa, nên kết hợp quạt gió để không khí được lưu thông trong phòng.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()