Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:53 (GMT +7)
Vựa cói xứ Thanh mùa thu hoạch
Thứ 3, 20/06/2023 | 08:35:40 [GMT +7] A A
Vào tháng 6, huyện Nông Cống, Thanh Hóa phủ kín màu xanh của cánh đồng cói mênh mông, bao quanh là con sông Yên uốn lượn.
Nhiếp ảnh gia Đan Khôi, sinh sống tại Hà Nội đầu tháng 6 có chuyến đi đến huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Anh Khôi chia sẻ đây là lần thứ hai anh quay lại Nông Cống vì ấn tượng với đồng cói như "tấm thảm xanh khổng lồ" và yêu thích khí hậu nơi này. Tháng 6, Nông Cống nắng gắt vào ban ngày nhưng dịu mát khi chiều buông vì gần biển.
Huyện Nông Cống nằm ở phía Đông Nam tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 51 km. Du khách từ Hà Nội di chuyển đến đây theo hướng cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 khoảng ba tiếng. Anh Khôi dành hai ngày ở xã Trường Giang và Trường Trung để ghi lại khung cảnh thiên nhiên và nhịp sống mùa gặt cói của người dân nơi đây.
Tô điểm cho những vựa cói nổi tiếng xứ Thanh là dòng sông Yên bao quanh cánh đồng, uốn lượn nhiều khúc. Trong hình là bình minh trên sông Yên, cạnh đó là những ruộng cói đến mùa gặt.
Nhắc đến cói ở Thanh Hóa, nhiều người nghĩ đến huyện Nga Sơn, nổi tiếng với làng nghề làm chiếu cói truyền thống. Nhưng Nông Cống là một trong những vựa cói lớn nhất miền Bắc. Cói ở Nông Cống sau khi được thu hoạch còn được cung cấp cho các cơ sở dệt chiếu và sản phẩm thủ công ở huyện Nga Sơn hoặc tỉnh Thái Bình.
Ruộng cói xanh rì ở xã Trường Trung hiện chưa được thu hoạch nhiều. Trên những ruộng cói, người dân dựng những chiếc lán đơn sơ để nghỉ ngơi giữa buổi.
Nghề làm cói theo cảm nhận của anh Khôi "rất vất vả", vụ thu hoạch rơi vào những ngày nắng nóng cao điểm, hứng chịu những cơn gió Lào thổi vào bỏng rát da thịt. Từ 2-3h sáng, người dân địa phương chong đèn trên đồng cắt, phơi cói. Công việc phải hoàn thành trước 9h vì Mặt Trời dần lên cao, nắng gắt. Đến 16h trời dịu mát, người dân tiếp tục ra đồng làm việc thêm 4-5 tiếng mới trở về nhà.
Sau khi gặt, người nông dân giũ cói cho thẳng. Những thân cói cao ngang người một nông dân ra đồng từ khi Mặt Trời chưa ló rạng.
Cói tươi sau khi thu hoạch được phơi khô đanh trong một tuần nắng liên tục. Trong trường hợp trời mưa, hay ít nắng, người dân phải mất thêm nhiều công phơi đến khi đanh hoàn toàn. Do đó, mùa gặt cói thường diễn ra vào những ngày nắng nóng. Cói có thể phơi khô nguyên cây hoặc được chẻ nhỏ. Cói chẻ được phơi khoảng 3 ngày nếu nắng đều.
Ruộng cói ở xã Trường Giang đang được thu hoạch. Sau khi cắt cói, người dân phơi thân cây ngay trên thửa ruộng.
Hiện người dân Nông Cống đang tất bật cho vụ thu hoạch đầu hè.
Ruộng cói sau khi thu hoạch khoảng 20 ngày sẽ được bón phân, chăm sóc gốc chờ đến vụ tiếp theo vào tháng 9. Cói mọc tự nhiên, sau 10-15 năm mới phải trồng lại.
Người nông dân ở Nông Cống vẫn sinh sống chủ yếu dựa vào nghề trồng cói, lúa. Anh Khôi chia sẻ khung cảnh ở đây yên bình, người dân sống bám nghề truyền thống "đáng trân quý".
"Thay vì du lịch ở bãi biển Sầm Sơn quen thuộc, các gia đình có thể dành hai ngày cuối tuần ở vùng quê này, cho con nhỏ thăm thú đồng cói cao ngang đầu, tìm hiểu về nguyên liệu dệt chiếu và đồ mỹ nghệ", anh Khôi nói.
Hiện Nông Cống chưa phát triển du lịch, du khách đến đây có thể lưu trú tại một số nhà nghỉ ở thị trấn Nông Cống, cách đồng cói Trường Giang và Trường Trung khoảng 5 km.
Theo VnEpress
Liên kết website
Ý kiến ()