Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:21 (GMT +7)
Ưu tiên tín dụng cho những ngành, lĩnh vực trọng điểm
Thứ 3, 23/11/2021 | 14:14:26 [GMT +7] A A
Mặc dù huy động vốn tại các ngân hàng trên địa bàn năm 2021 thấp hơn so với các năm trở về trước, tuy nhiên, tín dụng vẫn đảm bảo cung ứng kịp thời đến người dân, doanh nghiệp. Vốn tín dụng năm nay, được ưu tiên chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực ưu tiêu, các dự án trọng điểm…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Ninh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là từ giai đoạn quý II/2021 đã tác động lớn tới khả năng huy động vốn và triển khai công tác tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2021 đạt thấp. Theo đó, đến 30/10/ 2021, vốn huy động của các ngân hàng đạt 160.000 tỷ đồng, chỉ tăng 2,6% so với cuối năm 2020, giảm 5,1 điểm % so với tốc độ tăng trưởng năm 2020. Dự kiến, đến 31/12/ 2011, huy động vốn trên địa bàn cũng chỉ đạt khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2020.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, thu nhập của người dân giảm mạnh. Điều này, dẫn tới mức độ hấp thụ vốn sụt giảm, làm giảm cầu tín dụng ngân hàng. Đến 31/10/ 2021, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 139.500 tỷ đồng, tăng 2,9% so với 31/12/2020 (trong khi cùng kỳ tăng 6,6%).
Mặc dù vậy, nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn vẫn còn rất lớn, nhất là trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021. Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan cho biết: Thời gian qua, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối khả năng tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Qua đó, nhằm góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 1-3% so với cuối năm 2020. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-8%/năm đối với ngắn hạn; 9-10%/ năm đối với trung, dài hạn.
Được biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, để hỗ trợ cho nền kinh tế, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng cũng như giảm nợ xấu, nợ quá hạn, NHNN Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 1,5-2%/năm. Đến thời điểm này, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Tại Quảng Ninh, vốn tín dụng được tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực dịch vụ là 55,8%; công nghiệp - xây dựng là 31,1% và nông nghiệp nông thôn là 13,1%. Hiện dư nợ cho vay doanh nghiệp ngoài nhà nước và cá nhân, hộ gia đình đạt trên 116.750 tỷ đồng, chiếm 83,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 22.870 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng dư nợ.
Các ngân hàng trên địa bàn cũng đã, đang triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam về triển khai cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến 31/10/2021, cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn tỉnh đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 7,1% so với 31/12/2020; dự kiến đến 31/12/2021 đạt 18.600 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ ngắn hạn của các ngân hàng trên địa bàn. Trong đó: Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 12,1% so với 31/12/2020; lĩnh vực xuất khẩu đạt 1.068 tỷ đồng, tăng 1,9%; doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 12.230 tỷ đồng, tăng 6,4%; còn lại là cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn cũng đã vào cuộc thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới cho khách hàng, nhất là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mức lãi suất ưu đãi theo các thông tư của NHNN Việt Nam. Đến nay, đã có trên 1.600 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng dư nợ trên 5.400 tỷ đồng; có trên 11.200 khách hàng được vay mới, với tổng doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 89.900 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phạm Văn Thể cho biết: Sự đồng hành của ngân hàng đã góp phần không nhỏ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; có tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn ngân hàng tiếp tục tăng cường thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới, cũng như đưa ra nhiều gói vay hấp dẫn, lãi suất thấp để sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.
Theo dự báo của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến các ngành, nghề, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Do đó, dự báo quý IV/2021 và cả năm 2021 tín dụng có thể tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, đạt khoảng 142.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với 31/12/2020. “Ngành Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống, điều hành linh hoạt hoạt động tín dụng. Qua đó, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hiệu quả hơn” - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan cho biết thêm.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()