Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:09 (GMT +7)
Vốn quý từ rừng
Thứ 6, 16/06/2023 | 08:53:03 [GMT +7] A A
Rừng là nguồn tài nguyên sinh thái vô cùng quan trọng, có giá trị cho sự phát triển KT-XH và hạnh phúc của cộng đồng; có vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, đảm bảo tuần hoàn nước. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường tự nhiên, quyết tâm gìn giữ “rừng vàng - biển bạc”.
Bảo vệ, quản lý và phát triển rừng
Đảng và Nhà nước luôn đặt công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng. Từ nhiều năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng cũng như đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng…
Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh: Phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng… đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh nguồn nước và nâng cao chất lượng rừng trồng, trong đó chú trọng trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, đáp ứng nhu cầu lâm sản tại chỗ và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó chú trọng hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển rừng phòng hộ ven viển, hoàn thành việc chuyển đổi diện tích rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo đúng quy hoạch; gắn phát triển lâm nghiệp bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng…
Với quan điểm đó, tỉnh có nhiều quyết sách quan trọng mang tính chiến lược nhằm phát triển bền vững rừng. Đặc biệt, từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án “Phát triển KT-XH nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”, được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 108-TB/TW (ngày 1/10/2012). Quảng Ninh còn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành đồng thời 7 quy hoạch chiến lược quan trọng với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu thế giới, nổi bật là Quy hoạch về môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12/1/2017) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Song song với đó, tỉnh còn ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, phát triển KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo vệ, quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến rừng, như: Khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung; chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Các nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh được các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện, cụ thể hóa bằng các giải pháp khả thi, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong triển khai các dự án phát triển KT-XH và sự vào cuộc của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo số liệu thống kê của tỉnh, năm 2012 và năm 2022, tỉnh đã 2 lần tổ chức kiểm kê rừng để rà soát chính xác diễn biến về rừng, từ đó có những chỉ đạo, quản lý sát thực tiễn. Việc kiểm kê rừng cũng là cơ sở để tích hợp hiện trạng rừng của tỉnh vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chủ đạo rà soát quy hoạch rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất với 7.830,8ha để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo chuyển từ quy hoạch rừng sản xuất vào quy hoạch rừng phòng hộ với 9.276,1ha, trong đó tập trung chuyển đổi ở lưu vực các hồ đập nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tỉnh còn tham gia có trách nhiệm các Công ước quốc tế, tổ chức đa phương, diễn đàn về lâm nghiệp. Đồng thời ưu tiên đầu tư các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, thực thi pháp luật về lâm nghiệp, quản lý rừng cộng đồng. Đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế Ngân hàng thế giới (WB), cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ để tiếp tục thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng…
Rừng trong cuộc sống hôm nay
Trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động được trên 444 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác và nâng cao chất lượng, năng suất trồng rừng. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh trồng được 73.746ha rừng tập trung, tăng hơn so với giai đoạn 2011-2016, tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 3,16 triệu m3; năng suất rừng trồng đạt 17,8m3/ha/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng tập trung ước ước đạt 9.147ha, bằng 93,5% cùng kỳ 2022, tăng 0,5% kịch bản, trong đó có 631,87ha lim, giổi, lát; sản lượng khai thác gỗ đạt 428.330 m3, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2022, tăng 19,4% kịch bản.
Nhằm nâng cao giá trị rừng, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo tổ chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác. Đến nay, tỉnh duy trì củng cố 14.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng; phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng. Trong đó, khuyến khích các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho người dân vùng có rừng và đất rừng có điều kiện làm giàu bằng kinh doanh tổng hợp từ nghề rừng và gia tăng giá trị rừng, đất rừng trên đơn vị diện tích.
Cùng với đó, tỉnh còn triển khai Đề án phát triển lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao dưới tán rừng nhằm quy hoạch vùng trồng các loài cây lâm sản là thế mạnh, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 188 đơn vị tham gia 499 sản phẩm đa dạng, như: Thảo dược, dược liệu đóng gói, trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứu, rượu thuốc… Thông qua Chương trình này đã hình thành và củng cố hơn 700ha trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, trong đó một số dược liệu quý đặc trưng vùng miền đang phát huy hiệu quả, như: Ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, khôi tía…
Bên cạnh đó, để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, hằng năm tỉnh còn triển khai chính sách khoán bảo vệ rừng nhằm phát triển các mô hình quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã khoán bảo vệ rừng tự nhiên đối với 22 tổ chức, diện tích giao khoáng bảo vệ rừng bình quân đạt 36.568ha/năm… Với cách làm này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ rừng tự nhiên; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực có nhiều diện tích đất rừng; đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến, với mục tiêu giảm nhẹ thiên tai, ổn định phát triển KT-XH, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các cấp, ngành, nhất là đơn vị ngành Than triển khai nhiều chính sách, hành động thiết thực nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, để “xanh hoá” hoạt động sản xuất, các đơn vị ngành Than đã tăng cường trồng cây phủ xanh, cảnh tại phục hồi môi trường các diện tích kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Đến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của ngành Than tại Quảng Ninh là trên 1.500ha. Từ năm 2017 đến nay, ngành Than đã thực hiện trên 36 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng với 376,95ha; toàn bộ diện tích chuyển đổi là rừng trồng, không có rừng tự nhiên. Hiện TKV đang nghiên cứu thực hiện “xanh hoá” bãi thải mỏ bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa lâu năm để ổn định bền vững môi trường các khu vực sản xuất, kết hợp lấy gỗ làm trụ mỏ phát triển kinh tế rừng. Đến nay đã trồng được 568ha cây xanh, hình thành hành lang cây xanh làm vùng đệm giữa các khu vực phát triển công nghiệp và đô thị…
Với những giải pháp căn cơ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển của tỉnh đã và đang góp phần quan trọng trong công tác phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước. Qua đó, cũng góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()