Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:55 (GMT +7)
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Thứ 3, 05/11/2024 | 11:42:13 [GMT +7] A A
Sáng 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay bố trí chi thường xuyên còn thấp, còn nhiều khoản chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế. Và theo dự kiến, đến năm 2025, GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035 thì GDP nước ta sẽ vào khoảng 1000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình.
“Để thoát được bẫy này, có nhiều công cụ về các khía cạnh như lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, duy trì tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chúng ta chưa đạt được yếu tố bền vững vì vẫn dựa vào động lực của FDI. Trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu lớn, thì các doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước.
Hiện nay, chúng ta có hơn 20 Quỹ, có một số Quỹ sắp đóng lại, trong khi một số Quỹ sẽ được mở thêm. Đại biểu đề nghị tiến hành giám sát các Quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả. Không nên đánh giá Quỹ bằng số lượng dự án, mà cần xem xét hiệu quả của hoạt động của Quỹ, tác động của Quỹ đối với tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế.
“Việc giám sát hoạt động các Quỹ sẽ là tiền đề xây dựng một cơ chế bền vững, việc sử dụng nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho sự phát triển, tuy nhiên đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế. Do đó, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện hay trường đại học học công lập hiện nay khi tự chủ là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. “Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao”, đại biểu nhấn mạnh.
Với thực tế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.
Quan tâm đến các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa được quan tâm thấu đáo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý chủ yếu là của ba quỹ, gồm: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ. Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó số dư của ba quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.
“Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có hoàn thành không? Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ điều này, kể cả các vấn đề đại biểu khác đề cập, như tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay”, đại biểu Hà Sỹ Đồng thảo luận.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, theo các chuyên gia, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trong khi có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách, cũng như chính bản thân cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố.
Liên quan đến việc điều hành tồn dư tiền gửi kho bạc nhà nước, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, nhờ quyết tâm chính trị, từ năm 2017 Bộ Tài chính chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia…
Tuy nhiên, trên thực tiễn quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc kho bạc nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại ở các ngân hàng thương mại mà có những lúc không phù hợp về thời điểm, về liều lượng, kỳ hạn, hay mức lãi suất chào.
“Những việc như vậy nhiều khi đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động của ngân hàng. Do đó, Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn hiện nay một cách tốt nhất”- đại biểu đề nghị.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()