Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:08 (GMT +7)
“Tôi muốn đưa múa lân, sư, rồng Quảng Ninh và Việt Nam lên tầm cao”
Chủ nhật, 19/09/2021 | 07:30:28 [GMT +7] A A
Bén duyên với nghệ thuật múa lân sư rồng - một loại hình nghệ thuật dân gian đường phố và võ thuật biểu diễn độc đáo từ khi mới 11 tuổi, đến nay, sau hơn 30 năm theo đuổi, võ sư Bùi Văn Thành (thành viên Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Ninh, Trưởng đoàn Lân sư rồng Thành Linh đường, TP Hạ Long) có nhiều điều tâm đắc. Để có một cái nhìn tường tận hơn về môn nghệ thuật truyền thống này, nhân Tết Trung thu 2021, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với anh về những kỷ niệm và kinh nghiệm nghề sau nhiều năm gắn bó.
- Xin chào võ sư Bùi Văn Thành! Anh có thể chia sẻ cho độc giả biết là anh đã gắn bó với nghệ thuật múa lân sư rồng từ bao giờ không?
+ Tất nhiên rồi! Tôi bắt đầu biết đến múa lân sư rồng từ khi mới 11 tuổi. Khi ấy nhìn thấy các cụ trong khu nhà tôi (thuộc phường Hà Lầm, TP Hạ Long bây giờ) biểu diễn lân sư rồng, nhìn các cụ múa, tôi thích quá thế là tôi bắt đầu đam mê tiếng trống, tiếng xả.
Ngày xưa nghèo lắm, không có điều kiện như bây giờ. Tôi phải lấy vải bịt thùng nước làm trống đánh; không có xả thì lấy vung nồi gõ. Mê múa lân sư rồng quá! Tôi nhặt than bán lấy tiền rồi lặn lội lên Hà Nội để mua đầu lân. Đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ đầu lân đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Có người trả giá cao nhưng tôi không bán vì đó là kỷ vật đáng quý với tôi.
- Múa lân sư rồng có những kỹ thuật nào mà đến nay anh tâm đắc nhất?
+ Múa lân sư rồng có nhiều điệu lắm! Như địa bửu, lân lên mai hoa thung. Tháng 10/2020, Đoàn lân sư rồng Thành Linh đường xếp thứ nhất trong số 19 CLB của 11 tỉnh thành trên cả nước ở nội dung Lân lên mai hoa thung, một nội dung thi đấu chính tại Giải Vô địch các CLB lân sư rồng quốc gia lần thứ 1 diễn ra tại TP Hải Phòng.
Có thể nói, đây là kỹ thuật mà chúng tôi tâm đắc nhất. Lân lên mai hoa thung là điệu múa của con lân trên những cọc thung làm bằng sắt xếp liền nhau. Với cấu tạo của các cột thung này là độ cao khác nhau và điểm tiếp xúc nhỏ nên để có thể múa trên những cột thung một cách điêu luyện, đòi hỏi các vận động viên phải giàu kinh nghiệm, động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát, chuẩn xác và đòi hỏi hai người (người múa đầu và múa đuôi lân) phải kết hợp thật nhuần nhuyễn và ăn ý. Thông thường, để có thể múa được lân lên mai hoa thung, mỗi vận động viên phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm và thời gian luyện tập cùng nhau từ 6 tháng trở lên.
- Việc di chuyển trên các cột thung không thôi đã rất khó khăn, vậy mà các vận động viên lại phải nhảy, thực hiện các động tác bê, đỡ, lắc đầu, tầm nhìn hạn chế do đội đầu lân. Có vẻ rất nguy hiểm?
+ Chấn thương trong quá trình luyện tập với chúng tôi là điều không thể tránh khỏi. Càng là các động tác khó, các bài khó thì nguy cơ chấn thương càng cao. Nhẹ thì xây xát mà nặng có khi gãy xương. Để hạn chế tối đa chấn thương khi lên thung, chúng tôi có cho đặt những tấm đệm đỡ cho vận động viên và quan trọng là các vận động viên phải luyện tập thành thục dưới đất trước khi lên thung.
- Tôi được biết, gắn bó với nghệ thuật múa lân sư rồng này chủ yếu là các bạn trẻ, nhiều bạn gia đình rất khó khăn, vậy làm thế nào để đoàn có thể duy trì hoạt động và giữ được lửa nghề?
+ CLB Lân sư rồng Thành Linh đường chúng tôi có 50-60 thành viên, nhỏ nhất có những cháu đang học cấp 2, lớn tuổi nhất là tôi. Ngoài ra, đa phần là thanh niên độ tuổi 18 đến ngoài 20. Cả đoàn có mình tôi chọn múa lân là công việc chính, từ nhận show, tổ chức tập luyện, di chuyển, biểu diễn… đến bố trí tham gia các giải đấu, còn những thành viên trưởng thành khác trong đoàn đều có công việc mưu sinh riêng.
Với chúng tôi, múa lân sư rồng là đam mê và giữa những bộn bề cuộc sống, chúng tôi cố gắng dành thời gian nhiều nhất cho môn nghệ thuật này trong khả năng của mình. Trong đoàn có người đang làm tại nhà hàng, làm tại khu du lịch… nhưng khi có lệnh triệu tập, có thông tin về một chuyến đi biểu diễn thì mọi người đều chủ động sắp xếp công việc riêng để tham gia, làm sao để vừa không ảnh hưởng đến công việc lại vừa trọn cái đam mê của mình.
Các cháu thiếu nhi thì nhiệt tình lắm! Vì còn nhỏ, chủ yếu là đang luyện tập các kỹ năng cơ bản nên công việc giao cho các cháu chỉ là những việc nhẹ nhàng như lau chùi, bảo quản đồ nhưng cứ có show là ai cũng hăng hái đăng ký tham gia, ai không được đi thì rất buồn. Trong đoàn có những cháu gia cảnh rất khó khăn nhưng đến với đoàn được các anh chị em trong đoàn cưu mang, dạy dỗ, các cháu vui vẻ và hồn nhiên lắm. Với đoàn chúng tôi, việc tập võ, múa lân cũng giúp các cháu tránh xa các tệ nạn xã hội, là hoạt động tốt cho sức khỏe và rất bổ ích.
- Anh có nói tới luyện võ khi múa lân, vậy có sự liên quan nào giữa múa lân sư rồng với võ thuật?
+ Võ thuật là nền tảng cơ bản để các vận động viên múa được lân sư rồng. Phải có sức khỏe, sự dẻo dai, làm chủ và điều chỉnh tốt các chuyển động của cơ thể mới múa được lân sư rồng. Chính vì thế mà chúng tôi đều đặn phải tổ chức luyện tập cho các thành viên trong đoàn, từ những động tác cơ bản như đứng tấn đến các động tác phức tạp như bê, đỡ… Sau khi đã thành thục các động tác thì chúng tôi sẽ cảm tiếng trống, tiếng xả để mang lại những phần biểu diễn có hồn, thực sự mang lại hào hứng cho người xem.
- Khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hẳn là nhiều hoạt động của đoàn lân sư rồng cũng bị ảnh hưởng?
+ Đúng vậy! Hoạt động của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều! Các đoàn lân sư rồng đặc biệt bận rộn vào các dịp như Trung thu, Tết cổ truyền, các dịp lễ hội, khai trương… Nhưng từ năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Tết cổ truyền chúng tôi không thể biểu diễn, Trung thu năm nay cũng bị ảnh hưởng… Nhưng cứ khi thành phố và tỉnh cho nối lại các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thì hoạt động của chúng tôi lại nhanh chóng hồi phục. Như dịp năm ngoái, ngay khi Quảng Ninh tái khởi động du lịch, chúng tôi đã nhận được các show biểu diễn lớn trong chương trình “Yên Tử, về miền đất Phật mùa thu” hay biểu diễn mở màn cho lễ hội Carnaval mùa đông tại Tuần Châu…
Cũng mong tỉnh sớm hoàn thành chương trình tiêm chủng cho toàn dân, để chúng ta có một môi trường an toàn và các hoạt động văn hóa, biểu diễn sớm được nối lại, khi đó chúng tôi sẽ tiếp tục được mang tiếng cười và niềm vui đến cho mọi người.
- Qua nhiều năm gắn bó với nghệ thuật múa lân sư rồng, đến nay điều anh tâm đắc nhất là gì?
+ Nhìn lại hơn 30 năm gắn bó với nghề, tôi thấy mình đã lăn lộn, đánh đổi rất nhiều. Chọn cả đời gắn bó, nếu như chỉ bằng lòng với múa lân sư rồng nghiệp dư có khi tôi không vất vả đến vậy. Nhưng mình đã chót mê nên không bằng lòng với những kỹ thuật tầm tầm, tôi mong muốn đưa múa lân sư rồng Quảng Ninh và Việt Nam lên tầm cao nên đã bỏ nhiều công sức và tiền của để đi học…
Đầu tư cho lân sư rồng nhiều quá có khi trong nhà chẳng còn gì. Có thời điểm tôi phải đi cầm đồ, đi vay nặng lãi để có tiền đi học, sắm đồ múa lân. Lúc đó may mà có gia đình ủng hộ mà tôi mới có được ngày hôm nay. Hơn 30 năm nhưng đến bây giờ cũng có thể nói là gắn bó cả đời với múa lân sư rồng. Múa lân sư rồng giúp tôi có được tình cảm và sự yêu mến của mọi người. Đó là điều tôi tâm đắc nhất.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()