Năm 2023, khi ChatGPT tạo nên cơn sốt khắp thế giới, các nhà phân tích dự đoán AI tạo sinh (GenAI) sẽ sản sinh ra một nghề mới - prompt engineer. Gọi là kỹ sư, nhưng người làm prompt không nhất thiết phải biết viết code, lập trình. Họ có thể đang làm bất cứ công việc gì và nhiệm vụ của họ là tạo và tùy chỉnh câu lệnh văn bản để AI thực hiện theo yêu cầu. Họ sẽ liên tục đặt câu hỏi và trao đổi với chatbot cho tới khi nhận được thông tin phù hợp.
Tại Việt Nam, đây cũng trở thành chủ đề được thảo luận nhiều trên các diễn đàn nghề nghiệp năm ngoái. TopCV, một trong những nền tảng tuyển dụng lớn, khi đó cho biết một số doanh nghiệp đã bắt đầu đăng tuyển chuyên gia prompt để làm việc hiệu quả hơn với AI và cải thiện kết quả đầu ra.
Để tìm kiếm cơ hội, Thảo Nguyên, 24 tuổi, kế toán viên của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Bình Dương, từng bỏ ra 500.000 đồng để đăng ký một khóa học prompt. "Thực ra buổi học chỉ kéo dài hai tiếng. Người dạy giới thiệu các mô hình GenAI phổ biến, hướng dẫn đăng ký tài khoản rồi cung cấp một loạt prompt (câu lệnh) mẫu", Nguyên kể.
Sau thời gian mày mò, cô ra lệnh cho AI làm báo cáo ngân sách, cập nhật hồ sơ thuế... giúp thời gian hoàn thành rút gọn đáng kể. Nguyên bắt đầu tìm thêm công việc bên ngoài, sẵn sàng nhảy sang nghề prompt khi có cơ hội. Tuy nhiên, trên các trang tuyển dụng online và hội nhóm mạng xã hội gần như không có công ty nào cần riêng vị trí kỹ sư prompt.
Tương tự, Nguyễn Thành, một kiến trúc sư ở Hà Nội, cũng dành thời gian học ra lệnh cho AI để tạo nên những bức ảnh theo ý muốn. Anh mong tăng thêm thu nhập từ AI nhưng không tìm được bên có nhu cầu, cũng không bán được tác phẩm AI của mình mà chỉ có thể đăng lên mạng "cho vui".
"Bạn học được, người khác cũng có thể. Khi ai cũng học được, nó đơn giản chỉ là kỹ năng, không phải là nghề", Thành cho hay.
Theo TopCV, sau khi một số bên tuyển prompt engineer giữa năm ngoái, đến nay hệ thống gần như không còn ghi nhận thêm thông tin tuyển dụng hay mức lương liên quan đến vị trí này nữa.
Trong khi đó, Hoàng Phương, giám đốc nhân sự một công ty phần mềm top đầu Việt Nam, cho biết dự án AI của họ vẫn đang săn tìm kỹ sư, nhưng không có chỉ tiêu riêng cho prompt engineer. Cô cho rằng có thể khi đọc thông tin các công ty công nghệ trả hàng trăm nghìn USD cho vai trò này, nhiều người tin đây sẽ là nghề mới "hái ra tiền", nhưng vỡ mộng khi nhận ra thực tế tại Việt Nam khác với thế giới.
Prompt là kỹ năng
"Prompt trong môi trường IT chỉ như một kỹ năng, đa số nhân sự trong công ty đều có thể đảm nhiệm thêm sau vài ngày đào tạo. Do đó, một vị trí riêng cho kỹ sư ra lệnh là không cần thiết", Hoàng Phương nói.
Quân Nguyễn, kỹ sư từng làm tại OpenAI, cũng nhận định prompt khó trở thành một nghề lâu dài như nhiều người kỳ vọng. Thực tế thời gian đầu, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cần những câu lệnh tối ưu để cho ra kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, bất kỳ ai chỉ cần ngồi mày mò khoảng một giờ trên Internet là có thể nắm được cách "ra lệnh cơ bản" cho AI.
Bên cạnh đó, vai trò prompt engineer cũng dễ bị thay thế khi các mô hình liên tục thay đổi. Quân giải thích, ở giai đoạn đầu, mô hình như GPT-3 chưa đủ thông minh để hiểu ngôn ngữ tự nhiên. Để ra lệnh, người dùng cần rất nhiều dấu phẩy trong câu mô tả. Nhiệm vụ của kỹ sư prompt là tinh chỉnh những câu lệnh đó để máy móc hiểu mong muốn của người dùng và trả về kết quả đúng ý. Tuy nhiên, GenAI ngày càng được cải tiến và người dùng không còn cần nhập các câu tỉ mỉ, chi tiết nữa. Do đó, prompt engineer đang bị đào thải bởi chính AI.
Quân lấy ví dụ một công ty luật chỉ có một người phụ trách về kỹ thuật, muốn ứng dụng mô hình chatbot, họ phải mời một prompt engineer về ngồi cùng để tối ưu câu lệnh. "Nhưng chỉ sau một tháng, người phụ trách kỹ thuật của công ty đã có thể học các prompt, do đó nghề này bị thay thế rất nhanh", anh nhận định.
Theo cựu kỹ sư OpenAI, sức nóng của AI hiện tại tương tự kỷ nguyên Internet bùng nổ vài thập kỷ trước. Khi đó, mọi người đều lên mạng, học cách tìm kiếm thông tin, nhưng không có nghề "kỹ sư tìm kiếm" được sinh ra. Do đó trong cơn sốt GenAI, prompt engineer khó thành một nghề lâu dài khi ai cũng có thể ra lệnh cho AI.
Trên thế giới, prompt engineer cũng được đánh giá sớm nở chóng tàn. Nghiên cứu trên Harvard Business Review chỉ ra kỹ sư ra lệnh chỉ là cơn sốt thoáng qua. Nguyên nhân đầu tiên là hệ thống AI tương lai sẽ trực quan, hiểu sâu ngôn ngữ tự nhiên. Tiếp đến, các mô hình AI mới như GPT-4 đã được tối ưu trong việc tự tạo câu lệnh cho mình, khiến kỹ sư ra lệnh trở nên lỗi thời. Cuối cùng, hiệu quả của prompt phụ thuộc vào từng thuật toán, chúng không áp dụng chung cho tất cả mô hình và phiên bản AI khác nhau.
Tại sự kiện GTC 2024 tuần trước ở California, CEO Nvidia Jensen Huang cho rằng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, việc ra lệnh cho AI cũng tương tự việc mọi người nhắc nhau làm việc. "Và ai mà chẳng trở thành kỹ sư ra lệnh được. Khi vợ nói chuyện với tôi, cô ấy cũng đang là 'kỹ sư ra lệnh' cho tôi", ông nói.
Ý kiến ()