Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:59 (GMT +7)
Non thiêng - Vở dã sử công phu
Chủ nhật, 28/11/2021 | 15:04:11 [GMT +7] A A
Vượt qua những khó khăn, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đã đem đến cho khán giả một vở diễn công phu, hoành tráng, được đông đảo công chúng đón nhận.
Vở diễn "Non thiêng" kịch bản của tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, đã khắc họa sự hy sinh, gian truân trong quá trình tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Từ đó, vở diễn thêm một lần khẳng định, Yên Tử là đất Phật, là kinh đô của Phật giáo Việt Nam và lan toả tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Nhà viết kịch Chu Thơm cho biết: Đây không phải là một kịch bản sinh hoạt thông thường mà viết về một nhân vật lịch sử lỗi lạc, là vị vua hóa Phật. Vì thế, các từ ngữ đều là từ cổ. Tất yếu các diễn viên sẽ phải cố gắng hơn nhiều kịch bản khác gấp nhiều lần. Rất may, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã bóc tách ra từng câu thoại, nói kỹ từng câu thoại cho diễn viên. Càng khó hơn nữa vì không có âm nhạc phụ trợ mà phải tìm được hành động trong từng lời thoại. Tôi hài lòng về vở diễn trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian eo hẹp mà các diễn viên đã thể hiện tốt. Tôi rất biết ơn các bạn Quảng Ninh đã chuyển tải được kịch bản của tôi.
NSƯT Thanh Chương, nguyên Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, nhận định: Trong điều kiện tự chủ, khó khăn do dịch Covid-19 mà đoàn dựng được vở diễn hoành tráng như thế này là rất đáng mừng. Đây là một vở diễn khai thác đề tài lịch sử khó khăn mà các thế hệ diễn viên của nhiều loại hình hợp lại đã vượt qua được.
Theo đánh giá, vở diễn có lời thoại sâu sắc, mang tính chất triết học. NSƯT Phạm Hữu Lượng, nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao, nhận định: Tôi thấy xem kịch như thế này, người xem phải có nền tảng văn hóa thì mới xem và hiểu được. Nếu ai sống hời hợt thì sẽ không thể xem được vở này. Chưa bao giờ tôi thấy kịch nói chuyển sang diễn dã sử cả. Vậy mà kịch Quảng Ninh dám làm điều đó cho thấy cố gắng lớn.
Thêm nữa, đề tài Trần Nhân Tông chúng ta vẫn gặp ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng trong vở này được khai thác góc độ khác, mang tính thời đại hơn. Nhân vật kịch nhưng không tạo đất cho diễn viên diễn trò mà đây là nhân vật tư tưởng, nhân vật thể hiện nền tảng văn hóa sâu sắc của đất nước ta.
Vở diễn có cảnh trí sân khấu hiện đại nhưng vẫn tạo ra được không khí thời đại. NSND Tiến Mác, nguyên diễn viên Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, chia sẻ: Vở này rất khó dựng nhân vật, rất khó dựng trong thời gian rất ngắn ngủi. Xét về tổng thể các bạn diễn rất tốt. Đặc biệt, tôi rất khâm phục màn diễn của các diễn viên quần chúng, đặc biệt là những diễn viên thể hiện lớp múa. Nói chung những vấn đề kịch bản, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc của vở diễn đều tốt cả.
Cùng chung quan điểm, đạo diễn Đức Nhuần cho biết: Vở diễn không có xung đột kịch làm tôi rất lo nhưng xem rồi lại rất mừng. Ê kíp đã tập trung công sức tập luyện để làm nên một tác phẩm dã sử rất khó, khâu trang trí hoành tráng cũng đã tạo dựng được không khí lịch sử của Yên Tử xa xưa. Vở diễn giúp người xem nhận diện sâu sắc hơn về nhân vật Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đây là tác phẩm mà Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh vừa mang đi tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 tại Hải Phòng. Vở diễn đã mang về cho Đoàn Huy chương Đồng toàn đoàn và 4 huy chương cho diễn viên, gồm 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()