Hai vợ chồng lên 2 chiếc xe đạp Trek 520 từ 5/1, mang theo mỗi xe là hơn 30 kg hành lý, gồm quần áo, bếp và dụng cụ nấu ăn, lều cắm trại, bàn ghế, cần câu cá và 4 chiếc xăm xe lên đường. Họ đạp xe thẳng qua Bình Dương, TP Đồng Xoài (Bình Phước), huyện Tánh Linh (Bình Thuận), TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đến Krông Bông (Đắk Lắk). Từ đây, anh trai chị Liên đón họ bằng ôtô để kịp về Quảng Ngãi đón Tết.
Hai vợ chồng chia sẻ, mục đích đầu tiên khi đạp xe xuyên Việt là hành hương. Theo đạo Công giáo, họ muốn tới thăm 7 linh địa, gồm Đức Mẹ Thác Mơ (Bình Phước), Đức Mẹ Tà Pao (Bình Thuận), Đức Mẹ Trinh Phong (đèo Ngoạn Mục), Đức Mẹ Giang Sơn (Đắk Lắk), Đức Mẹ Phượng Hoàng (Gia Lai), Đức Mẹ Trà Kiệu (Quảng Nam) và Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị).
Trước đây, chị Liên từng độc hành 9 tháng bằng xe đạp ở nhiều nước châu Á, châu Âu và dừng lại ở Nam Mỹ. Hành trình kết thúc dang dở để lại trong chị nhiều điều tiếc nuối, chị ấp ủ hành trình mới bằng xe đạp ở châu Á, châu Âu. Đạp xe xuyên Việt sẽ là bước đệm cho hành trình này. Chuyến đi từ Nam ra Bắc bằng xe đạp cũng giúp vợ chồng chị khám phá vẻ đẹp, con người đất nước, những nơi họ chưa từng tới trước đây và thử thách giới hạn của bản thân.
"Nhìn mình ốm như vậy, còn chưa đạp xe đường dài bao giờ nên nói đi xuyên Việt nhiều người không tin, thậm chí ngay trên nhiều đoạn đường khó tưởng chừng phải bỏ cuộc, mình cũng không tin đã vượt qua được", chị Liên cười và nói. Vì đi xe đạp, hai vợ chồng lựa chọn đi đường nhỏ thay vì quốc lộ để tránh nắng nóng, xe tô. 800 km đường, chỉ có từ TP HCM tới Bình Dương là đường bằng, còn lại đều là đường đèo, leo dốc, nhiều nơi đường đất đá, đường rừng.
Trong đó nơi anh chị khó khăn và cũng ấn tượng nhất là đèo Tân Thanh (Lâm Đồng), để hướng về Đức Mẹ Trinh Phong trên đèo Ngoạn Mục. Đoạn đường dài 6 km toàn là dốc nghiêng 8-10 độ, khiến họ phải đi theo hình ziczac và chậm chạp giống như rắn bò. Vừa đạp, vừa đẩy xe trên đường, cả 2 liên tục đứng thở dốc, dừng chân bên những rừng cây ven đường để nghỉ. Bù lại khung cảnh xung quanh khi là suối chảy róc rách, khi là hồ nước trong xanh màu ngọc bích. Cả đoạn đường dường như không có xe cộ, chỉ có tiếng cười, tiếng động viên nhau của 2 vợ chồng.
Có lần khi đạp từ làng Cù Lần đến Đưng Knớ (Lâm Đồng), hết đường dốc thì họ gặp đường rừng đá sắc nhọn đến nổ lốp. Có lần không tìm được quán ăn trưa, chân tay bủn rủn vẫn phải tiếp tục đạp xe. Nhưng đối với anh chị, khó khăn nào cũng mang đến những kết quả xứng đáng, khi họ được cùng nhau ngắm những rừng thông cao vút, tỏa mát cả đoạn đường hay hoa anh đào nở rộ trên đường đi Cầu Đất (Lâm Đồng).
Không đạp xe chỉ để đến nơi, cặp đôi dành thời gian để khám phá nên lịch trình luôn "thuận tự nhiên". Nơi họ dừng chân có thể là bất cứ đâu, một hồ nước, con đập, nhà sàn... quan trọng đó là có cảnh đẹp, người dân thân thiện và địa hình thích hợp để cắm trại. Như trong lần đầu khi tới Bình Dương, họ cắm trại ngay tại đập Phước Hòa theo gợi ý của người dân. Hay ở Bình Thuận, họ cũng được chỉ tới hồ Đa Mi, một địa danh trước đây chưa từng nghe qua. Cắm trại tại đây, họ thỏa thích câu cá, nấu ăn, buổi sáng sớm bên ngoài lều trại là sương giăng phủ trên mặt hồ hoang sơ, khiến cả 2 phải thốt lên rằng "đây là một giấc mơ".
Trên đường, dù chỉ có hai người, song không lúc nào họ cảm thấy cô đơn vì luôn được giúp đỡ, đồng hành. Như lần đang đẩy xe leo dốc, đói lả vì chưa kịp ăn trưa trên đường địa phận Khỉ Ho Cò Gáy (Lạc Dương, Lâm Đồng), một cặp vợ chồng người dân tộc ngang qua tặng họ bánh mì và 2 quả thanh long. Dịp khác họ được một người đang đi phượt chia đồ ăn, tư vấn đường đi. Còn đến Đà Lạt, một người chưa từng gặp mặt sẵn sàng mời họ về cắm trại trong khu đất riêng. Vì đúng mùa xuân nên xung quanh điểm trại là trăm hoa đua nở như mai anh đào, mimosa vàng... và mặt hồ phẳng lặng.
Chị Liên chia sẻ, dù trước đây từng độc hành tới các châu lục song chuyến đi lần này lại mang một cảm giác rất khác, khi có chồng là bạn đồng hành, người để chị dựa dẫm khi cần. Ngoài ra, sự ủng hộ của gia đình, những người gặp gỡ treen đường lại chính là động lực để họ quyết tâm hoàn thành mục tiêu. Chính họ cũng muốn trở thành sự động viên cho người khác. Trước khi xuất phát từ TP HCM, họ đã có một số tiền nhỏ được nhiều người gửi gắm, để dành tặng lại cho những người nghèo khó gặp trên đường đi. Họ đã mừng năm mới 1.000.000 đồng cho bà cụ 82 tuổi, đạp chiếc xe cũ hàng chục km mỗi ngày để nhặt ve chai.
Ngày 27/1, sau khi tới 4 trong 7 thánh địa, cặp vợ chồng theo xe anh trai về quê ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi để đón Tết. Họ chia sẻ, dù đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì thì ngày Tết nhất định phải về bên mẹ cha, gia đình. Năm 2021, cặp đôi đã cùng nhau chăm sóc mẹ anh Nhựt trước khi bà qua đời vì bạo bệnh, nên năm nay cặp đôi sẽ đón Tết tại quê chị Liên. Dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa cây cảnh, họ cùng nhau làm bánh chưng, bánh tét, ăn tất niên. Dự kiến tới ngày 8/2, cặp đôi sẽ tiếp tục đạp xe tới Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và tiến về phía Bắc. Hành trình dự kiến kéo dài 3 tháng và kinh phí khoảng 40 triệu đồng.
Ý kiến ()