Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 12:23 (GMT +7)
Vitamine không thực sự là thuốc bổ
Thứ 3, 26/04/2022 | 14:05:40 [GMT +7] A A
Bố mẹ ép con cái uống, con cái mua biếu bố mẹ già để tỏ lòng hiếu thảo. Nhưng vitamine không thực sự là thuốc bổ như nhiều người đã nghĩ…
Mặt trái của vitamine
Về mặt sinh học mà nói, vitamine không phải là chất dinh dưỡng. Bởi chúng không là “thức ăn” nuôi dưỡng cơ thể con người, mà là các chất có trong cơ thể với một lượng rất nhỏ, gọi là các chất vi lượng.
Các chất này đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của tế bào, bởi chúng tham gia vào các phản ứng sinh hóa trong cơ thể và đảm nhận một số chức năng khác như dẫn truyền thần kinh, hỗ trợ tuyến nội tiết.
Nếu không có vitamine thì các quá trình trên không xảy ra, hoặc ngưng trệ dẫn đến kết thúc sự sống.
Về cấu trúc hóa học thì chúng thuộc nhóm Amin, nhưng là các Amin rất cần cho sự sống (vital). Do vậy, thuật ngữ vitamine được hình thành để chỉ nhóm Amin mang các chức năng đặc biệt này.
Mặc dù, các vitamine có vai trò quan trọng như vậy, nhưng cơ thể không chủ động tạo ra chúng được mà lệ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài (trừ một vài vitamine như D và PP). Nguồn vitamine cung cấp cho cơ thể có thể lấy từ động vật hoặc thực vật.
Có một số loại động vật hoặc thực vật rất giàu một loại vitamine nào đó như vitamine A rất nhiều trong gan cá thu, lòng đỏ trứng, củ cà rốt; vitamine C có rất nhiều trong chanh, cam, quýt, bưởi, bòng; vitamine B1 có nhiều trong cám, men bia, đậu tương...
Một điều đáng lưu ý là các vitamine rất dễ bị phân hủy, nên việc nấu nướng có “nghệ thuật” cũng là cách để giữ lại các vitamine cung cấp đầy đủ cho cơ thể.
Nói chung, một chế độ ăn hài hòa và giàu chất dinh dưỡng đủ để cung cấp vitamine cho cơ thể mà không cần bất cứ một sự bổ sung nào khác, ngoại trừ các trường hợp bệnh lý cần có sự chỉ định của các bác sĩ.
Tuy vitamine cần thiết cho cơ thể và sự sống đến như vậy, nhưng nếu “ép” cơ thể tiếp nhận một lượng vượt quá nhu cầu thì dẫn đến những hệ lụy khó lường, tiền mất tật mang. Sau đây là những hậu quả do thừa vitamine gây ra:
- Vitamine A: Vitamine A dự trữ trong gan theo nguyên tắc “cung cấp bao nhiêu, dự trữ bấy nhiêu”. Do vậy, việc cung cấp thừa sẽ tích lũy lại trong cơ thể gây ra ngộ độc.
Các triệu chứng thường diễn ra từ từ cùng với lượng thừa tích lũy trong cơ thể: Cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, rụng lông, tóc, khô da, niêm mạc, bong vảy, đau khớp… Có thể gây sảy thai và quái thai. Nên việc dùng vitamine A là chống chỉ định tuyệt đối ở phụ nữ đang mang thai.
Nếu cung cấp một liều lớn trong một lần sẽ gây ra ngộ độc cấp với các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, thóp phồng ở trẻ nhỏ. Sau đó là bong da và niêm mạc.
- Vitamine E: Mặc dù giống các vitamine B và C là có thể dùng liều cao và kéo dài mà không độc. Tuy vậy, việc lạm dụng vitamine E không phải là không có vấn đề.
Các biến đổi trong cơ thể do thừa vitamine E gây ra người dùng và những người xung quanh không nhìn thấy, nhưng các nhà chuyên môn “nhìn thấy”.
Đó là làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông, warfarin và nhất là làm tăng tác dụng ngăn ngưng kết tiểu cầu của Aspirin, gây rối loạn quá trình đông máu qua việc làm giảm sự kết dính của tiểu cầu trong máu.
Để an toàn, người dùng vitamine E liều cao, kéo dài nếu có phối hợp với các thuốc trên thì nên ngừng dùng thuốc vài tuần trước khi tiếp nhận một cuộc mổ theo chương trình.
- Vitamine D: Thường được sử dụng để phòng và chữa bệnh còi xương, nhưng nếu liều cao kéo dài nhiều tuần ở trẻ em sẽ gây ngộ độc với các biểu hiện: Chán ăn, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, nhức đầu, yếu cơ, đau nhức các xương khớp...
Nếu xét nghiệm sẽ thấy canxi máu tăng và lượng canxi trong nước tiểu cũng tăng cao. Ngoài ra, vitamine D còn chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp đang có bệnh ở ruột và dạ dày, bệnh cấp hoặc mạn tính ở gan và thận, lao phổi đang tiến triển, suy tim mất bù, tăng canxi máu.
Ngoài những tác dụng ngoài ý trên, một số vitamine dạng tiêm như vitamine B1, vitamine C… gây ra các phản ứng phản vệ của cơ thể, riêng vitamine B1 có thể gây sốc và dẫn đến tử vong.
Mặt trái của truyền dịch
Nhiều người có thói quen gọi dịch truyền ở bệnh viện là “nước biển”. Trên thực tế, một số người rất “sùng bái” dịch truyền. Với họ, bệnh gì chưa biết, cứ “vô nước biển” là… khỏe ngay. Tác dụng của dịch truyền do vậy mang tính tâm lý hơn là sự cần thiết cho người bệnh.
Về mặt chuyên môn mà nói, dịch truyền là loại dung dịch chứa nhiều chất khác nhau đã được hòa tan trong quá trình pha chế. Nhìn chung, nước cất là dung môi phổ biến và cơ bản của các loại dịch truyền.
Hiện, dịch truyền có đến mấy chục loại khác nhau. Nhưng có thể xếp vào 3 nhóm chủ yếu như: Nhóm dinh dưỡng, nhóm nước - điện giải, nhóm đặc biệt.
Nhiều người nhức đầu, mỏi mệt, chóng mặt… thậm chí mắc bệnh tăng huyết áp vào viện gặp nhân viên y tế là “đòi hỏi” truyền dịch ngay. Một số người, khi yêu cầu vô lý này không được đáp ứng thì tỏ thái độ khó chịu, thậm chí bỏ về để đi truyền dịch… “tự do” bên ngoài bệnh viện.
Họ không biết rằng, việc tiêm truyền thoạt trông có vẻ đơn giản, nhưng nếu không có các phương tiện cấp cứu và khả năng chuyên môn thì khi xảy ra tai biến sẽ không còn kịp để… ân hận!
Căn cứ vào sự phân nhóm của dịch truyền, có thể dễ dàng suy ra khi nào người bệnh cần được truyền dịch. Đó là lúc cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, suy nhược, suy kiệt do ăn uống kém hoặc thiếu nước và điện giải do nôn mửa, tiêu chảy… Một người bình thường, khi xét nghiệm máu sẽ cho các thông số trong máu một kết quả trung bình. Nếu vì một lý do nào đó làm cho các mức trung bình này giảm, khi ấy cần có sự bù đắp để tái lập lại sự cân bằng này.
Các trường hợp mất nước, mất máu nặng hoặc choáng phản vệ, dịch truyền các loại cần được “đổ vào” tĩnh mạch ngay lập tức để giữ tuần hoàn máu bệnh nhân trong trạng thái ổn định, cho dù đó chỉ là sự ổn định tạm thời trong khi chờ đợi sự giải quyết nguyên nhân.
Không một ai có thể khẳng định chắc chắn rằng việc truyền dịch luôn luôn an toàn và có lợi. Bởi những phản ứng bất lợi do dịch truyền mang lại luôn là điều bất ngờ.
Do đó, người thực hiện việc truyền dịch luôn ở trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” với phản ứng bất lợi do dịch truyền đột ngột xảy ra. Đây là lý do tại sao người bệnh cần được truyền dịch tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có đầy đủ thuốc men và các trang thiết bị liên quan để cấp cứu cho bệnh nhân.
Tai biến do dịch truyền, tùy theo cơ địa của người bệnh mà thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Có trường hợp tai biến xảy ra tức thì, nhưng cũng có những trường hợp xảy ra sau khi kết thúc việc tiêm truyền.
Các biểu hiện của sự tai biến xảy ra từ nhẹ đến nguy hiểm như sau: Đau ở vùng châm kim, sưng phù, thâm tím da, run lạnh, viêm tĩnh mạch. Sốc dịch truyền là tai họa ngay tức thời và nặng nề nhất, có thể dẫn đến chết người.
Các biểu hiện của người bị sốc dịch truyền là hốt hoảng, đau ngực, thở khó, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh, thậm chí khó bắt, huyết áp tụt. Nếu như không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể tử vong.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()