Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:04 (GMT +7)
Visa cản khách quốc tế vào Việt Nam
Thứ 3, 17/05/2022 | 08:51:43 [GMT +7] A A
Chính sách visa chưa cởi mở khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng việc hút khách quốc tế chưa hiệu quả như kỳ vọng.
Trong khi các doanh nghiệp vẫn đang đầu tư lớn để chuẩn bị hút khách thì những rào cản có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi ngành du lịch.
Bối rối và gặp khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng cho hay vẫn "lấn cấn" và điều chưa an tâm nhất lúc này là chính sách visa cho khách quốc tế.
Cụ thể, trước đây khi chưa có dịch, chúng ta miễn thị thực cho rất nhiều nước, thời gian xét duyệt visa thông thường là 3 - 5 ngày đối với du khách (visa có thời hạn lưu trú 30 ngày - PV). Nhưng giờ số quốc gia được miễn thị thực bị thu hẹp, thời gian chờ trả lời, xét duyệt không như trước đây khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi.
Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay sau dịch COVID-19 xu hướng khách lẻ vào nước ta đang tăng so với trước đây. Hiện nay, với các nước chưa được miễn thị thực thì khách muốn nhập cảnh phải có người bảo lãnh. Điều này gần như "bất khả thi" với hầu hết khách vì không biết xin ai bảo lãnh.
Ngoài ra, hiện nay khách lẻ xin visa online nhưng việc xử lý và cấp visa không ấn định thời gian trả lời cụ thể nên khách không chủ động thời gian.
Nhiều người mua vé nhưng đành phải hủy chuyến bay vì thông báo cấp visa đến trễ. "Về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục yêu cầu xin thị thực đối với quá nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nhóm khách chính của ngành du lịch trong nước thì sẽ là rào cản khiến du lịch khó thu hút khách quốc tế, giảm tính cạnh tranh", ông Dũng nói.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cho hay đến tháng 4-2022 số khách quốc tế vào Việt Nam chỉ đạt 50% so với con số ước tính để đạt chỉ tiêu, muốn bứt phá cho mục tiêu 5 triệu khách là rất khó khăn.
Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), bên cạnh các yếu tố khách quan thì những quy định về y tế của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi cho khách, bao gồm sử dụng ứng dụng PC-COVID, bảo hiểm du lịch...
Đặc biệt, chính sách thị thực còn một số bất cập, nhiều ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ngay cả thị thực điện tử (e-visa) chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.
Tăng đầu tư đón khách quốc tế
Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp đang đầu tư nhiều hơn để đón khách quốc tế.
Chị Hoài Anh, chủ một nhà hàng tại Đà Nẵng, từng phải cầm cố một cơ sở của mình để trả tiền thuê mặt bằng, giữ một số nhân viên cứng chờ ngày du lịch sống động trở lại. Đã có lúc chị muốn tìm một cách sinh nhai khác, nhất là khi đợt dịch thứ 4 ập đến.
Nay chị hồ hởi: "Lúc dịch bệnh, chỉ mơ một ngày được… quá tải. Giờ bận rộn tới 2h sáng mà thấy vui lắm. Mong đừng quay lại những chuỗi ngày u ám nữa" và chị đã bỏ thêm gần tỉ đồng đầu tư thêm, mong có nhiều khách quốc tế hơn.
Chiếc áo mới mà nhiều điểm đến chuẩn bị trong những ngày đóng cửa đang khoe sắc nhưng mong chờ thêm khách quốc tế. Đà Nẵng vẫn tưng bừng với Lễ hội ẩm thực và bia B’estival tại Sun World Ba Na Hills, du khách được cảm giác lạ lẫm trước những tác phẩm điêu khắc mới tại thác Thần Mặt Trời, say mê với sô diễn "Trận chiến vương quốc Mặt trăng"…
Ông Phạm Quốc Quân, chủ tịch Sun Group vùng miền Nam, cho hay để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế, Sun Group cũng liên tục phối hợp với các đối tác, tổ chức các Famtrip và Presstrip để đưa đoàn báo chí, TikToker... từ Thái Lan đến Bà Nà (Đà Nẵng), Hòn Thơm (Phú Quốc), Hạ Long (Quảng Ninh). "Đặc biệt, chúng tôi cũng đang có kế hoạch tổ chức Roadshow tại các thị trường quốc tế trọng điểm như Hàn Quốc, Thái, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á", ông Quân nói.
Lo hồi phục đứt đoạn
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cũng nhấn mạnh các chính sách visa chưa hồi phục như trước có thể là rào cản khiến cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp bị đứt đoạn.
"Chúng tôi đang kỳ vọng hè này sẽ khôi phục tour đi châu Âu, châu Úc ngắm tuyết hay gần hơn là đi Singapore, đến mùa thu sẽ phục hồi khách thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và sang tháng 10 đẩy mạnh đón khách quốc tế. Hiện quá trình chào bán sản phẩm, quảng bá cũng đi theo quy trình này, nhưng nếu vẫn giữ các quy định nhập cảnh hiện nay thị trường sẽ khó phục hồi như kỳ vọng", ông Yên nhìn nhận.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cũng cho biết rào cản lớn nhất của quá trình phục hồi của doanh nghiệp cũng như ngành du lịch là chính sách visa. "Ngay Hàn Quốc cũng đã thông báo từ ngày 1-6 áp dụng miễn visa cho du khách Việt khi đến hai điểm ở Hàn", bà Hoàng nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng cho rằng khách quốc tế liên quan mật thiết đến chính sách thị thực. Bà Khánh dẫn chứng một số khó khăn hiện nay là khó xin e-visa, chưa minh bạch trong quá trình làm thủ tục, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cũng đang cao hơn so với các nước khác.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()