Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:14 (GMT +7)
Virus Covid-19 có thể gây đái tháo đường
Thứ 3, 05/10/2021 | 09:32:38 [GMT +7] A A
Một tin tức đáng lo ngại cho những người bị nhiễm virus Covid-19, đó là các nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng virus có thể gây đái tháo đường, ngoài viêm phổi và các vấn đề sức khỏe khác.
Hầu hết mọi người sẽ khỏi Covid-19 mà không có vấn đề lâu dài hơn, nhưng các bác sĩ nhận thấy một số bệnh nhân sẽ phát triển bệnh đái tháo đường.
Mới đây, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng virus có thể nhiễm và phá hủy một số tế bào quan trọng trong việc ngăn ngừa đái tháo đường. Với kiến thức mới này, các nhà khoa học hiện đang chạy đua để tìm hiểu cách ngăn chặn tốt nhất biến chứng này ở bệnh nhân Covid-19.
Đái tháo đường đã góp phần vào 10-15% số ca tử vong ở Mỹ. Năm 2017, có gần 34,2 triệu người, tương đương 10,5% dân số nước này, mắc đái tháo đường. Theo dữ liệu từ CDC, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người Mỹ được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Trong số những người mắc đái tháo đường, gần 1,6 triệu người mắc đái tháo đường loại 1, một bệnh tự miễn tấn công các tế bào beta tuyến tụy gây giảm sản sinh insulin.
Có sự khác biệt giữa đái tháo đường loại 1 và loại 2. Trong đái tháo đường loại 1, cơ thể không sản xuất đủ insulin. Với loại 2, có đủ insulin nhưng nó không hoạt động bình thường .
Vì insulin khiến các tế bào hấp thụ đường trong máu, giảm sản sinh insulin hoặc kháng insulin khiến lượng đường hoặc glucose trong máu cao. Mức glucose cao, hay tăng đường huyết, là dấu hiệu của đái tháo đường.
TS Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết: "Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đây đã gợi ý rằng virus Covid-19 có thể nhiễm vào các tế bào beta của người. Chúng cũng chỉ ra rằng virus nguy hiểm này có thể nhân lên trong các tế bào beta sản sinh insulin để tạo ra nhiều bản sao của chính nó và lây truyền sang các tế bào khác".
Nghiên cứu mới từ Trường Y Đại học Stanford và Weill Cornell Medicine đã xác nhận mối liên quan giữa Covid-19 và đái tháo đường. Bằng cách phân tích các mẫu khám nghiệm tử thi của những bệnh nhân tử vong vì COVID-19, cả hai nghiên cứu đã làm sáng tỏ khả năng lây nhiễm của virus đối với các tế bào beta tuyến tụy, giảm tiết insulin và gây ra đái tháo đường loại 1.
Virus thực sự phá hủy các tế bào trong tuyến tụy tạo ra insulin, làm giảm mức insulin và từ đó trực tiếp dẫn đến lượng đường cao và bệnh đái tháo đường loại 1.
Các chuyên gia cho biết những tế bào này đặc biệt dễ bị virus tấn công vì chúng chứa một số thụ thể được biết là gắn với Covid-19.
Sau khi bị xâm nhập, các tế bào này bị chuyển dạng thành những loại tế bào khác với mức độ biểu hiện insulin thấp hơn. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy SARS-CoV-2 có thể thay đổi "số phận" của một tế bào.
Điều đáng mừng là một nghiên cứu đã chỉ ra một số thuốc đặc hiệu có thể đảo ngược số phận này. Những phát hiện này sẽ cần được xác nhận trong các nghiên cứu lớn hơn, nghiêm ngặt hơn.
Song thật không may là virus có thể phá hủy tuyến tụy và gây ra bệnh đái tháo đường theo những cách không dễ chữa khỏi bằng thuốc. Do phá hủy các tế bào tuyến tụy, bệnh nhân có thể trở nên phụ thuộc vào thuốc điều trị đái tháo đường, chẳng hạn như insulin, rất lâu sau khi họ kết thúc trận chiến với Covid-19.
Theo TS Collins cho biết: "Cần phải nghiên cứu thêm để hiểu cách thức SARS-CoV-2 tới tuyến tụy và hệ miễn dịch có thể đóng vai trò như thế nào trong việc gây ra tổn thương".
Cả hai nghiên cứu đều nhấn mạnh khả năng mắc đái tháo đường do Covid-19 gây ra và nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức ở những người bị nhiễm virus.
Điều quan trọng là nếu bạn được chẩn đoán mắc Covid-19 và có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng cổ điển nào của đái tháo đường loại 1, hãy đi xét nghiệm bệnh đái tháo đường. Bất kỳ ai đã khỏi Covid-19 đều nên theo dõi các triệu chứng của đái tháo đường.
Các triệu chứng này bao gồm khát nước nhiều, tăng số lần đi tiểu, sụt cân hoặc mệt mỏi.
Những nghiên cứu này là một lời nhắc nhở nữa về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân, các thành viên trong gia đình và cộng đồng khỏi Covid-19.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()