Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Cuộc tổng bãi công của công nhân Vùng mỏ ngày 12/11/1936 mãi mãi đi vào lịch sử của lớp lớp thợ mỏ giống như một biểu tượng thành công về tập hợp lực lượng, về tính “Kỷ luật và Đồng tâm”. Phát huy truyền thống đó, trong suốt 84 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân và nhân dân Vùng mỏ đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khó, thi đua lao động sản xuất xây dựng ngành Than ngày càng phát triển bền vững.
![]() |
Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai tháng 4/1955, trong sự chào đón tưng bừng của người dân. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh. |
Tự hào truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”
Trong 90 năm qua, lịch sử của ngành Than cũng gắn liền với lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các mỏ than của Quảng Ninh chính là những cái nôi của cách mạng và các chi bộ Đảng được thành lập ở các khu mỏ đã lãnh đạo phong trào công nhân đi đến những thắng lợi rực rỡ.
Cuối tháng 2/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh cũng ra đời ở mỏ Mạo Khê (Đông Triều). Từ tháng 2/1930 đến tháng 4/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí - Vàng Danh lần lượt ra đời. Cuối tháng 5/1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định thành lập Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả và Đảng uỷ mỏ Uông Bí - Vàng Danh. Đến tháng 9/1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định tách Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả thành Đảng uỷ mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông và Đảng uỷ mỏ Hòn Gai. Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu mỏ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã quyết định thành lập ở khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả để trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân mỏ. Đảng bộ Đặc khu mỏ được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu do Xứ uỷ chỉ định gồm 3 đồng chí. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người thợ mỏ đã đứng lên đấu tranh, chống lại áp bức, bất công. Nổi bật là Cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đã để lại dấu ấn trong lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam. Sau năm 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy khí thế cách mạng của Cao trào 1936-1939, giai cấp công nhân Vùng mỏ đã cùng với nhân dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công đã khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vượt lên nhiều khó khăn, vất vả, hy sinh, giai cấp công nhân Vùng mỏ vừa kiên cường chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế của địch; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tổ chức công đoàn, phát triển lực lượng du kích, tự vệ trong công nhân, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 24/5/1955, Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng, chấm dứt cảnh công nhân mỏ vĩnh viễn thoát khỏi nô lệ áp bức.
![]() |
Lãnh đạo Đảng ủy Than Quảng Ninh kiểm tra tiến độ Dự án khai thác than hầm lò mỏ Khe Chàm II - IV thuộc Công ty Than Hạ Long. (Ảnh chụp tháng 9/2019). |
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và những khẩu hiệu: “Trận địa là nhà, Vùng mỏ là quê hương”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”; các chiến dịch “Sản xuất than chống Mỹ, cứu nước”, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù hàng ngàn công nhân vẫn chắc tay súng, vừa sản xuất, vừa đánh trả quân xâm lược, nhiều công nhân đã gia nhập “Binh đoàn Than”, tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Từ sau thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân Vùng mỏ và ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cha anh, đẩy mạnh lao động sản xuất phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Đổi mới đi lên
Bước vào công cuộc đổi mới, những năm đầu thập niên 90, ngành Than Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thử thách như: Nạn khai thác than trái phép phát triển tràn lan làm tài nguyên và môi trường vùng mỏ bị hủy hoại nghiêm trọng, trật tự và an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Đến năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) được thành lập, ngành Than - Khoáng sản liên tục đổi mới, tháo gỡ dần khó khăn thách thức phát triển mạnh mẽ và đang trở thành Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước.
Trải qua chặng đường 26 năm xây dựng và phát triển (tính từ khi thành lập Tập đoàn), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song nhờ phát huy tốt truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, TKV đã vượt qua mọi thách thức, phát triển bền vững.
Giai đoạn 2016-2020, sản lượng than nguyên khai của TKV sản xuất ước đạt 187,9 triệu tấn. Ảnh chụp tháng 10/2019 tại Phân xưởng Khai thác 6 (Công ty Than Mạo Khê - TKV). |
Theo báo cáo của TKV, bình quân hàng năm sản lượng than sản xuất của TKV đạt từ 40-45 triệu tấn (tăng gấp 6 - 7 lần so với năm đầu thành lập). Sau 25 năm xây dựng và phát triển, TKV đã khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn. Tổng doanh thu than từ 1.300 tỷ đồng (năm 1994) tăng lên hơn 62.000 tỷ đồng (năm 2018), gấp 47,6 lần so với năm 2005 (thời điểm Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời). Dự kiến năm 2019, tính riêng doanh thu sản xuất than ước đạt hơn 68.000 tỷ đồng. Lợi nhuận của cả Tập đoàn ước đạt trên 3.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2019 đạt trên 11,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 17,6 lần so với khi thành lập).
Từ một Tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than đến nay TKV đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Than, Khoáng sản, Điện lực và Vật liệu nổ công nghiệp. Hiện, Tập đoàn có 68 công ty con và đơn vị trực thuộc.
Khẳng định vị thế trụ cột an ninh năng lượng quốc gia để đáp ứng nhu cầu than cho thị trường hiện nay, TKV đang tập trung đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào các lĩnh vực sản xuất và chế biến than. Điển hình ngoài áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty CP Than Hà Lầm, TKV còn đang nhân rộng cơ giới hóa từng phần ra các đơn vị khác theo hướng phù hợp với điều kiện địa chất của từng mỏ. Nhờ đó, sản lượng khai thác than bằng phương pháp công nghệ cơ giới hóa của TKV hằng năm đều tăng đáng kể (năm 2018, sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa của TKV chiếm tới 13% tổng sản lượng khai thác hầm lò).
Bên cạnh đó, để mở hướng nâng cao năng lực sản xuất cho các đơn vị ngành Than, TKV còn đang đầu tư Dự án Khai thác hầm lò dưới mức -150, mỏ Mạo Khê, hơn 5.800 tỷ đồng; Dự án Khe Chàm II-IV, hơn 12.500 tỷ đồng. Việc đầu tư lớn cho những dự án này cho thấy quyết tâm của TKV đang muốn làm chủ công nghệ khai thác than hầm lò để chinh phục những độ sâu mới từ -150 đến -400m.
Phạm Tăng
[links()]
Ý kiến ()