Cán cân thương mại của Việt Nam tháng 10 tiếp tục thặng dư 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu 10 tháng đạt hơn 24,6 tỷ USD, cao nhất 5 năm.
Dữ liệu này được Bộ Công Thương cho biết tại báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 10. Với mức trên 24,6 tỷ USD, xuất siêu 10 tháng đầu năm nay tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua (trừ 2021 ảnh hưởng Covid nhập siêu trên 1,4 tỷ USD).
Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 18 tỷ USD, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD. "Xuất siêu góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế", Bộ Công Thương nêu.
Nhưng khác mọi năm, Việt Nam ghi nhận cán cân thương mại thặng dư do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, nhập khẩu tháng 10 tăng gần 3%, đạt 29,3 tỷ USD. Tuy vậy, lũy kế 10 tháng, chỉ tiêu này vẫn giảm trên 12% so với cùng kỳ năm trước, gần 267 tỷ USD.
Những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sụt giảm đơn hàng cùng giá nguyên liệu hạ nhiệt khiến nhập khẩu hàng nguyên liệu sản xuất giảm trên 12% so cùng kỳ, gần 236 tỷ USD.
Trừ máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,8%, hầu hết nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng của sản xuất đều giảm hai con số. Chẳng hạn, điện thoại các loại và linh kiện sụt hơn 60%, sắt thép các loại hạ 17,3%. Nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 18%.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam, gần 90 tỷ USD, nhưng xét về tỷ trọng giảm trên 10% cùng kỳ. Tương tự, nhập hàng từ Hàn Quốc cũng giảm 19%, thị trường ASEAN hạ 15%, đạt 33,5 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại,xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi, khi suy giảm thu hẹp. Các mặt hàng nông sản, gạo, trái cây là "cứu cánh" cho xuất khẩu nhờ giá tăng và cơ hội mở cửa thị trường. 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Bộ Công Thương dự báo những tháng cuối năm nay vẫn khó khăn do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và xung đột Nga - Ukraine kéo dài, Israel và lực lượng Hamas xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu.
Ngoài kích cầu tiêu dùng nội địa, bộ này cho biết sẽ đẩy nhanh đàm phán, ký các hiệp định, cam kết thương mại với các đối tác tiềm năng (UAE, MERCOSUR) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Ý kiến ()