Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:08 (GMT +7)
Việt Nam trở thành 'ngôi sao sáng' trong nền kinh tế
Thứ 6, 03/01/2025 | 14:30:05 [GMT +7] A A
Với nền tảng vững chắc và chiến lược phát triển hiệu quả, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.
Thành tựu nổi bật giữa thách thức toàn cầu
Bước qua năm 2024, kinh tế Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh), quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 450 tỷ USD, tăng một bậc so với năm 2023, giữ vị trí thứ 34 trên thế giới.
CEBR cũng dự báo rằng năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD của năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực cho Việt Nam. Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể đạt 6,6%, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ. Tương tự, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025.
Theo Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 khá tích cực nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu, dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, cải cách trong nước và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn như biến động kinh tế toàn cầu, thiếu điện và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ vào dân số trẻ và mức độ tích hợp phương tiện truyền thông xã hội. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt 36 tỷ USD vào năm 2024 và có thể tăng lên 90-200 tỷ USD vào năm 2030. Thương mại điện tử sẽ đạt 22 tỷ USD trong năm 2024 và có thể đạt 63 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam cũng tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thương mại B2B. Chính phủ Việt Nam đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, nâng cao khả năng kết nối và thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo vượt mức 25 tỷ USD vào năm 2025, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Việt Nam - ''thỏi nam châm" hút đầu tư quốc tế
Năm 2024 tiếp tục khẳng định sức hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây là năm thứ ba liên tiếp dòng vốn FDI vượt ngưỡng 20 tỷ USD.
Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản và công nghệ cao là những mũi nhọn thu hút dòng vốn. Trong đó, thỏa thuận hợp tác chiến lược với NVIDIA để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) là dấu mốc quan trọng, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Theo hãng nghiên cứu Statista, thị trường AI tại Việt Nam dự kiến đạt 753,4 triệu USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 28,36% trong giai đoạn 2024-2030.
Bên cạnh các thành tựu, Việt Nam còn đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Theo báo cáo “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi” của Ngân hàng Thế giới (WB), để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người khoảng 6% mỗi năm trong hai thập kỷ tới.
WB nhấn mạnh rằng Việt Nam cần chuyển đổi từ mô hình sản xuất giá trị thấp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng được đánh giá là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua các biến động của thị trường toàn cầu.
Theo bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam cần tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường và giảm rào cản thương mại. Đồng thời, việc đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ tạo nền tảng bền vững cho quá trình tăng trưởng.
Ngoài ra, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Shantanu Chakraborty cũng nhấn mạnh vai trò của đầu tư công và cải cách thể chế trong việc duy trì đà tăng trưởng. Ông khẳng định, đầu tư công không chỉ thúc đẩy nhu cầu và việc làm, mà còn tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác như hậu cần và vận tải.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()