Do trong nước hiện chưa có thuốc Molnupiravir được cấp số đăng ký lưu hành nên Bộ Y tế đang xem xét các vấn đề về pháp lý, chuyên môn để đề xuất, trình Chính phủ chấp thuận cấp số đăng ký lưu hành thuốc kháng virus này trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn nhưng vẫn bảo đảm về an toàn và hiệu quả.
Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ cấp số đăng ký lưu hành thuốc trên cho các doanh nghiệp, chấp nhận cắt giảm một số yêu cầu về hồ sơ thử nghiệm lâm sàng.
Trước đó, cuối tháng 8.2021, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà.
TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai chương trình này, đến nay chương trình đã mở rộng đến 34 tỉnh, thành. Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400 mg Stella Việt Nam và 60.000 liều Molnupiravir 200 mg Optimus Ấn Độ sản xuất từ nguồn nhập khẩu) cho các địa phương.
Theo kết quả báo cáo giữa kỳ sau tại thời điểm triển khai tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, Molnupiravir có tính an toàn, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.
Ngoài ra, với loại thuốc điều trị COVID-19 mới nhất của Pfizer (Mỹ sản xuất) từ 2 tháng trước, lãnh đạo Bộ Y tế đã có thư gửi hãng, đề nghị hãng đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên cung cấp.
Ý kiến ()