Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:52 (GMT +7)
Việt Nam sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn
Thứ 6, 08/12/2023 | 08:23:09 [GMT +7] A A
Nhiều "ông lớn" trong ngành bán dẫn toàn cầu đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, cho thấy tiềm năng của lĩnh vực bán dẫn ở nước ta.
Doanh nghiệp bán dẫn tăng cường đầu tư vào Việt Nam
Đoàn đại biểu Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ gồm lãnh đạo Hiệp hội và 7 doanh nghiệp thành viên là những "ông lớn" trong ngành bán dẫn toàn cầu đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư, cho thấy tiềm năng của chúng ta trong lĩnh vực bán dẫn là khá rõ ràng. Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thu hút làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong ngành.
Đây là lần thứ 3, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn của Hoa Kỳ và các doanh nghiệp thành viên đến Việt Nam trong năm nay, cho thấy mức độ quan tâm với thị trường Việt Nam. Đầu tháng 5 năm nay, Marvell - một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn tuyên bố sẽ thành lập trung tâm R&D lớn nhất thế giới tại TP Hồ Chí Minh. Chưa kể Intel, tại Việt Nam từ năm 2006, đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD và đang bắt đầu giai đoạn thứ hai mở rộng hoạt động. Không chỉ dừng lại ở 2 doanh nghiệp này, nhiều cái tên khác cũng đang muốn lấn sân vào thị trường Việt Nam.
Tham dự buổi Tọa đàm Sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam mới đây, đại diện các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đều cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.
Tập đoàn Synopsis của Mỹ vừa ký biên bản thỏa thuận, cam kết đồng hành để xây dựng trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Hà Nội trong thời gian tới.
Bà Stewart Barber - Giám đốc đối ngoại và Quan hệ Chính phủ, Synopsis cho biết: "Chúng tôi mong muốn mang đến những chương trình giảng dạy mới nhất, hợp tác với các trường đại học, cung cấp phần mềm thiết kế để các bạn sinh viên có thể làm quen với công nghệ của Synopsis ngay từ khi còn đang đi học. Như vậy khi ra trường, các bạn có thể nhanh chóng trở thành 1 kỹ sư bán dẫn có tay nghề và làm việc cho chúng tôi nếu muốn".
Tập đoàn Marvell công bố sẽ mở thêm 1 trung tâm thiết kế chip quy mô lớn vào năm 2024, đồng thời nâng số lượng nhân sự của tập đoàn tại Việt Nam từ 300 lên 500 người.
Ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Marvell Việt Nam cho hay: "Có 3 yếu tố chính quyết định tại sao chúng tôi lại đầu tư vào Việt Nam: Một là sự ổn định về mặt kinh tế, chính trị và văn hoá của Việt Nam; yếu tố thứ hai là chi phí về mặt đầu tư rất hợp lý và yếu tố thứ ba là nguồn nhân lực khá dồi dào và tài năng trong mảng thiết kế vi mạch".
Ông John Neuffer - Chủ tịch hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ cho biết: "Các doanh nghiệp trong Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ đang mở rộng đầu tư để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng. Việt Nam cũng đang nỗ lực trở thành một phần quan trọng trong mắt xích toàn cầu của chúng tôi, điều này sẽ thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài".
Thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Miếng bánh ngon ai cũng muốn có phần. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam của chúng ta sẵn sàng đến đâu để đón làn sóng đầu tư này.
Ở cấp độ quốc gia, một chiến lược tổng thể, một đề án phát triển nhân lực ngành bán dẫn đang được xây dựng, sẽ đề ra tầm nhìn, lộ trình, các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển lĩnhvực này.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: "Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn".
Sẵn sàng đón dòng vốn bán dẫn
Các doanh nghiệp nước ngoài đa phần họ cho rằng, ưu đãi về thuế không phải là yếu tố đặt lên hàng đầu, quan trọng hơn cả là nguồn lực con người. Theo Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, hiện cả nước có gần 5.600 kĩ sư thiết kế chip, chỉ đáp ứng được ở mức 20% nhu cầu.
Khi 5 năm tới ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cần có đến 50.000 kĩ sư. Do đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực là kế hoạch cần triển khai ngay lúc này.
Là đơn vị trực tiếp xây dựng Đề án phát triển nhân lực ngành bán dẫn, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, quá trình đào tạo nhân lực sẽ chia ra thành các giai đoạn. Trước tiên là tập trung vào khâu đầu tiên - thiết kế chip.
Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cho biết: "Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng hợp tác với Synopsys và Cadence - hai tập đoàn cung cấp công cụ thiết kế chip lớn nhất hiện nay. Qua đó, chũng tôi có hỗ trợ lại cho hơn 20 trường đại học các bản quyền thiết kế. Đây là cơ sở quan trọng mà trước đây chúng ta rất thiếu nguồn lực".
Đào tạo nhân lực cũng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Như tại Bắc Ninh, tỉnh hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên của các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đối với lĩnh vực kĩ thuật công nghệ cao. Số tiền lên đến 400 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, với nhà đầu tư chiến lược Intel, thành phố đang tập trung hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ để sự gắn bó của đối tác được lâu dài.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trong năm 2023, chúng tôi đã cấp phép đầu tư cho một công ty có thể nói là hàng đầu về sản xuất thiết bị chính trong quy trình đóng gói. Tại các khu công nghệ cao cũng thành lập các doanh nghiệp phục vụ trực tiếp cho Intel, sản xuất các máy chưa phải là chính nhưng là các máy phụ trợ".
Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) cũng cần được chú trọng. Lấy ví dụ như ở Mỹ, cứ 5 đồng doanh thu lại có 1 đồng chi cho hoạt động này, khiến Mỹ trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp chip lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới từng nói: Trên chiếc áo bạn đang mặc, có thể có số chip bằng bạn dùng cả đời. Tức là mọi vật đều trở thành thông minh, tất cả đều được gắn chip. Nhu cầu là rất lớn, vấn đề là năng lực sản xuất của chúng ta. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao chính là lời giải để nắm bắt cơ hội cho Việt Nam, trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.
Theo vtv.vn
- Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực sau 11 tháng năm 2023
- Vinatesco - Cung cấp máy bơm chìm chính hãng, giải pháp vận chuyển nước thải công nghiệp hàng đầu
- Công nghiệp chế biến, chế tạo: Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng
Liên kết website
Ý kiến ()