Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 10:39 (GMT +7)
Việt Nam: Một nền kinh tế mà Covid-19 không thể ngăn chặn
Thứ 5, 02/09/2021 | 15:01:30 [GMT +7] A A
Việc hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam luôn hoạt động ngay cả trong đại dịch Covid-19 - tạp chí Economist nhận định ngày 30/8/2021.
Từng gây ấn tượng với thế giới khi khống chế được dịch Covid-19 trong năm 2020, Việt Nam hiện đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt và một loạt nhà máy, từ nhà máy sản xuất giày cho Nike đến nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cho Samsung, đều hoạt động chậm lại hoặc đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giúp duy trì nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,9% ngay cả khi hầu hết các nước rơi vào suy thoái sâu. Theo Economist, bất chấp đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay, năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo có thể cao hơn.
Economist dẫn dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào ngày 24/8, kỳ vọng tăng trưởng năm 2021 ở mức 4,8%.
Vậy bí quyết thành công của Việt Nam là gì và liệu có thể duy trì được thành công này không là câu hỏi mà bài báo này đặt ra. Bài báo phân tích sự kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có vẻ giống Singapore. Kể từ năm 1990, Việt Nam đã tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình 6% GDP mỗi năm, gấp hơn hai lần mức toàn cầu.
Vẫn theo bài báo, “khi phần còn lại của Đông Á tăng trưởng và mức lương ở đó tăng, Việt Nam đã hấp dẫn các nhà sản xuất toàn cầu với chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định. Điều đó thúc đẩy xuất khẩu bùng nổ. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 137% trong khi xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng 422%”.
“Dù Việt Nam đang đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng vẫn có thể lạc quan về một đất nước dường như đang trong giai đoạn đầu bước vào chu kỳ phép lạ kinh tế Đông Á”- bài báo khẳng định.
Giới chuyên gia nhìn nhận, Economist vốn có tiếng là rất kiệm lời và thận trọng trong các đánh giá.
Trong một diễn biến khác, ngày 1/9/2021, Ngân hàng Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% cho năm 2021 và từ 7,3% xuống 7% cho năm 2022 do “các chỉ số kinh tế suy yếu, dịch bệnh diễn biến trầm trọng và tiêm chủng vaccine còn chậm”.
Theo Standard Chartered, trong trường hợp các ca dương tính với Covid-19 không được đưa vào vòng kiểm soát trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục suy giảm và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất. Tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ phục hồi trong quý IV và hoạt động thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế quý III dự kiến sẽ chậm lại.
Tình hình dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam bị suy giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch.
“Giống như các nền kinh tế khác tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn”- ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()