Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:58 (GMT +7)
Việt Nam mong muốn được hỗ trợ phát triển lĩnh vực điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo
Thứ 4, 17/07/2024 | 23:14:36 [GMT +7] A A
Chiều 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Thomas Vallely, cựu Giám đốc Chương trình Việt Nam thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright và các chuyên gia Đại học Fulbright Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng gặp lại ông Thomas Vallely; cho biết, kể từ lần gặp ông Thomas Vallely lần trước, đến nay, tình hình có nhiều thay đổi; do đó rất mong được trao đổi với ông về đánh giá tình hình trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ, thế giới có nhiều thay đổi…
Thủ tướng mong được ông Thomas Vallely chia sẻ ý kiến tư vấn với Việt Nam phù hợp tình hình; cảm ơn ông đã tổ chức lớp học cho các cán bộ cấp cao Việt Nam trong Chương trình VELP.
Thủ tướng đề nghị ông Thomas Vallely cùng thúc đẩy quan hệ hai bên, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trao đổi thông tin… Đây là điều đáng quý vì những thông tin trao đổi hai bên đem lại hiệu quả trong điều hành kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần củng cố quan hệ hợp tác hai nước.
Thủ tướng mong ông Thomas Vallely chia sẻ đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, Hoa Kỳ cũng như đề xuất các giải pháp, định hướng cho Việt Nam phát triển thời gian tới.
Thủ tướng chia sẻ, 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; năm nay, Việt Nam bảo đảm cung ứng đủ điện hơn; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong vòng kiểm soát. Việt Nam có đề ra phương án tăng trưởng…
Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp, ông Thomas Vallely cho biết thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo ông, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức; mặc dù tăng trưởng GDP mỗi năm đạt trung bình khoảng 6,5% mỗi năm nhưng Việt Nam chưa khai thác hết tối đa tiềm năng của mình. Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng gặp những khó khăn lâu dài.
Ông cũng đánh giá cao những học viên Việt Nam của Chương trình VELP. Bày tỏ muốn tìm hiểu, phân tích, đánh giá những thách thức của Việt Nam đang gặp phải, ông Thomas Vallely cho rằng, đó không chỉ là dừng ở mức tăng trưởng hiện nay 6,5% mà Việt Nam cần cải thiện mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ... Ông cũng mong Thủ tướng hỗ trợ Đại học Fulbright Việt Nam phát triển.
Nhân dịp này, lãnh đạo Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá việc thành lập trường là biểu tượng của quan hệ hai nước; có vị thế tốt để đóng góp nhiều cho khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi; thúc đẩy các sáng kiến mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, mang lại giá trị cao cho Việt Nam. Các chuyên gia Đại học đề nghị Việt Nam cần coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng về kinh tế số, năng lượng điện, giao thông… Muốn vậy, Việt Nam cần có khung pháp lý rõ ràng.
Về một số đề nghị của ông Thomas Vallely và Đại học Fulbright Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng linh hoạt các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nói chung, Đại học Fulbright Việt Nam phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật.
Ông Thomas Vallely bày tỏ cảm kích Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đại học Fulbright Việt Nam phát triển thuận lợi; cho biết, điểm chiến lược với Việt Nam phải thành công hơn nữa về kinh tế trong những lĩnh vực chưa được khai thác tối đa. Đại học Fulbright Việt Nam muốn trở thành đại học đỉnh cao về công nghệ.
Các nghiên cứu chỉ rõ, Việt Nam cần phát triển các lĩnh vực công nghệ mới. Nền kinh tế đang sức cạnh cạnh tranh tốt, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cần được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản nhất là trong lĩnh vực năng lượng để phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới.
Ông nhấn mạnh, vấn đề là làm thế nào khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng về công nghệ. Đề cập Việt Nam cần phát triển lĩnh vực bán dẫn, ông gợi ý, Việt Nam cần tháo gỡ mọi rào cản để phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng cho phát triển công nghệ, trong đó nguồn năng lượng mới trên thế giới đến từ điện toán. Muốn vậy, cần năng lượng điện, thúc đẩy AI, cần năng lượng điện xanh hơn nữa; cần kết nối năng lực điện toán mạnh ở Việt Nam, có mô hình điện toán đám mây.
Ông kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần thay đổi phương thức để phù hợp tình hình, ví dụ Việt Nam phải xây dựng cơ sở hạ tầng tương tự như một số nước ở khu vực Đông Nam Á theo mô hình phát triển điện toán đám mây của Hoa Kỳ thì sẽ phát triển mạnh mẽ. Lĩnh vực này không cần đầu tư nhiều tiền, chỉ cần thay đổi chính sách, khi đó sẽ có nhiều tập đoàn lớn về công nghệ đầu tư vào Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề trong ngành bán dẫn. Ngoài ra Việt Nam cần phát triển mạnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khi đó, Việt Nam có thể tham gia sân chơi công nghệ thế giới.
Cảm ơn các ý kiến của ông Thomas Vallely, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đang thay đổi mô hình kinh tế sau 40 đổi mới, đó là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, phát triển nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giảm sử dụng lao động, tài nguyên. Tài nguyên lớn nhất là con người, vì vậy cần phải tích cực sử dụng.
Thủ tướng cho biết, trong thảo luận với lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như NVIDIA, Apple…, Việt Nam đã thống nhất với các lãnh đạo tập đoàn này đưa điện toán đám mây, trung tâm nghiên cứu và phát triển vào Việt Nam. Mô hình phát triển phải phù hợp kinh tế xanh, kinh tế số; cần phải gỡ bỏ các rào cản để phát triển nhanh công nghệ. Việt Nam sẽ xây dựng mô hình kinh tế mới, tận dụng những tính ưu việt Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang tháo gỡ dần các vướng mắc, xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị ông Thomas Vallely, Đại học Fulbright Việt Nam hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực trí thức, trí tuệ, kiến thức; giúp chuyển giao công nghệ, điện toán đám mây; hỗ trợ đầu tư vào trường đại học phi lợi nhuận; đào tạo nguồn nhân lực, quản trị thông minh, cán bộ có đức, có tài, có tâm, trí tuệ; quản trị số; hạ tầng phải hiện đại, theo xu hướng xanh, số.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Thomas Vallely nêu rõ, Việt Nam cần có khu vực tư nhân năng động hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ; Việt Nam có nguồn nhân lực mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí là tốt nhất, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Khi Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt nhất, khu vực tư nhân hiệu quả thì sẽ phát triển thuận lợi hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò nguồn nhân lực, hạ tầng số, hạ tầng xanh, hạ tầng giao thông, 3 hạ tầng này cần đột phá, tháo gỡ cơ chế, huy động nguồn lực hợp tác công tư, nhất là khu vực tư nhân. Việc tháo gỡ để tăng niềm tin cho khu vực, sau ngày 1/8/2024, một số luật như Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân.
Thủ tướng thông tin thêm, Việt Nam đang phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong đó có, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh, giao thông xanh. Vấn đề là phải ưu tiên nguồn lực như thế nào. Qua thực tiễn mấy năm vừa qua, việc này đối với Việt Nam là khả thi, ví dụ vấn đề liên quan đất đai, năng lượng, kinh tế số. Thủ tướng bày tỏ lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, được định hình trong những năm tới.
Cảm ơn ý kiến chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Thomas Vallely bày tỏ Việt Nam cần chú trọng phát triển lĩnh vực điện toán đám mây; đánh giá Việt Nam có những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, nhờ đó có tiềm năng phát triển lớn trong lĩnh vực này.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()