Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:23 (GMT +7)
Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông
Thứ 6, 14/05/2021 | 11:30:28 [GMT +7] A A
Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh điều này tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến vào chiều 13/5 khi được hỏi về hoạt động mới đây của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh thêm: Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.
* Bình luận về việc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin có qua thăm Việt Nam bên lề Đối thoại Shangri-la, Người Phát ngôn cho biết, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua đang duy trì đà tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có Bản ghi nhớ hợp tác về quốc phòng 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng 2015 và Kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020, hai bên tiếp tục thúc đấy hợp tác quốc phòng song phương qua các kênh trao đổi khác nhau, tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực.
* Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bà Trần Tố Nga, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, rất lấy làm tiếc về phán quyết của tòa án đối với vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.
“Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất thương mại chất độc da cam dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc, trao đổi, động viên bà Trần Tố Nga và sẵn sàng hỗ trợ phù hợp.
Theo Thùy Dung (Chinhphu.vn)
Liên kết website
Ý kiến ()