Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:36 (GMT +7)
Việt Nam đứng vị trí 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics
Thứ 4, 06/12/2023 | 09:29:51 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Trong khi đó, hạ tầng logitics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối… Điều đó gây cản trở việc nâng cao tính cạnh tranh của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Đi sâu phân tích vấn đề này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA chia sẻ, sự liên kết giữa các phương thức vận tải vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do năng lực vận tải thủy còn thấp qua việc vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm tỷ lệ 21,6%; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 73%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua hình thức vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Qua đó, làm cho chi phí logistics tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 - 16%, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và hạn chế về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics. Hoạt động chuyển đổi số của hầu hết doanh nghiệp logistics cũng ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Trước thực trạng này, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hay xuất nhập khẩu.
"Các cơ quan, ban, ngành cũng phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích các công ty logistics trong nước phát triển. Đặc biệt, hỗ trợ tích cực hơn nữa, giúp các doanh nghiệp ngành này đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất, cải thiện hoạt động logistics. Nhà nước cũng sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải và các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, trung tâm logistics", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()