Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 10:09 (GMT +7)
Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp
Thứ 6, 17/03/2023 | 15:43:16 [GMT +7] A A
Việt Nam đang tích cực khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp.
Phát triển kinh tế xanh là yêu cầu tất yếu
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
“Với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Sáng 17.3.2023, phát biểu khai mạc “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh.
“Phát triển xanh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và Chính phủ Việt Nam xác định đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn” – Thứ trưởng Ngọc nói.
Tăng trưởng xanh sẽ đưa kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023
Ông David John Whitehead - đại diện nhóm công tác nông nghiệp cũng dự báo, trong nửa cuối năm 2023, kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng. Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
“Dự kiến trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các yêu cầu của thị trường sẽ trở nên khắt khe hơn, buộc toàn ngành phải đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và xác định chính xác các cơ hội để xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, chú trọng đến trách nhiệm đối với môi trường, đồng thời tập trung vào nông nghiệp tuần hoàn như một phần của nền kinh tế tuần hoàn” - ông David John Whitehead nhấn mạnh.
Để bắt nhịp kịp thời với giai đoạn tăng trưởng sau COVID-19, trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đây là tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thách thức, đưa Việt Nam trở thành một nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.
Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, để tăng trưởng xanh làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, cần cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững, cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỉ lệ tái chế nhất định.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()