Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:59 (GMT +7)
Việt Nam đã có 46 tỉnh, thành phố loại trừ được bệnh sốt rét
Thứ 5, 25/04/2024 | 22:42:23 [GMT +7] A A
Ngày 25/4 hằng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống sốt rét nhằm nhấn mạnh cam kết của cộng đồng về bệnh sốt rét, cũng như sức mạnh toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung hướng đến một thế giới không còn bệnh sốt rét. WHO đặt mục tiêu, giảm tỷ lệ mắc sốt rét ít nhất 90% vào năm 2030.
Ngày thế giới phòng, chống sốt rét năm nay, Việt Nam lấy chủ đề "Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam", nhằm tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ y tế để phòng, chống bệnh sốt rét.
Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế), năm 2023, nước ta ghi nhận là 448 ca mắc sốt rét, giảm 97,3%, số ca nắc sốt rét ác tính giảm 89,19%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 85,71% so với năm 2011.
Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 46 tỉnh, thành phố được công nhận đã loại trừ bệnh sốt rét, còn 17 tỉnh, thành phố chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ. Tuy nhiên, số thôn, bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp. Việt Nam quyết tâm loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.
Mặc dù, Việt Nam đã khống chế số ca mắc sốt rét xuống dưới 500 ca/năm; sốt rét tập trung chủ yếu tại một số huyện như huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, huyện Krongpa, tỉnh Gia Lai. Nhưng công tác phòng, chống sốt rét tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đặc thù Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc tơ gây bệnh phát triển, khó kiểm soát, khó tiêu diệt véc tơ, nhất là trong rừng, rẫy. Hiện, chúng ta còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành; hiện sốt rét ngoại lai đang có xu hướng tăng, nhất là sốt rét từ người đến từ châu Phi. Cùng với đó, đã có hiện tượng muỗi kháng hoá chất…
Việc nhân lực trong phòng chống sốt rét bị cắt giảm, kinh phí cắt giảm, các tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí khi dịch giảm sẽ dẫn đến khoảng trống thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc tơ và giám sát ca bệnh…
“Vì vậy, nguy cơ sốt rét quay trở lại khi có ca bệnh ngoại lai hoặc thể ẩn (asymtomatic) phát bệnh lây thành dịch, do không được phát hiện sớm và xử lý thụ động không kịp thời”, Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh cho biết.
Ngoài ra, việc hệ thống cán bộ cơ quan phòng chống sốt rét còn thiếu về số lượng và yếu, nhất là tuyến huyện, xã. Ngay tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương cũng chỉ có 1 khoa phòng, chống các bệnh ký sinh trùng, với khoảng 5-7 người; tuyến huyện, xã không đủ người để giám sát chủ động véc tơ, điều tra ca bệnh, ổ bệnh và tuyên truyền, vận động người dân. Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở thường xuyên thay đổi, do đó việc nắm bắt công việc cũng cần có thời gian tiếp cận, cập nhật kiến thức…. cũng là những trở ngại cho công tác phòng, chống sốt rét ở Việt Nam
Để hoàn thành mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030, theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh cần có những giải pháp đồng bộ. Việt Nam cần xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương thay thế nguồn viện trợ; duy trì tính bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách; duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn - hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh - lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế - chủ động giám sát và phòng chống véc tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin.
Song song đó, tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc tơ, kháng thuốc, cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp; chủ động đánh giá và phòng sốt rét quay trở lại tại các địa phương đã loại trừ…
Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vaccine nhưng có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người.
Người dân cần chủ động phòng bệnh sốt rét, ngủ màn/màn tẩm hóa chất diệt muỗi thường xuyên, nhất là khi ngủ ở nương rẫy, trong rừng. Khi bị sốt, sốt rét hãy đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()