Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Việt Nam có thể dẫn đầu Đông Nam Á về thương mại điện tử
Thứ 2, 02/12/2024 | 19:24:00 [GMT +7] A A
Theo trang mạng của Tập đoàn nghiên cứu thị trường (IMARC) ngày 1/12, Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á, khi ngành này đang có sự tăng trưởng mạnh và góp phần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế quốc gia.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn nghiên cứu gần đây của IMARC cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử toàn cầu năm 2024 được định giá là 26.800 tỷ USD và dự kiến đạt 214.500 tỷ USD vào năm 2033. Từ những “gã khổng lồ” đã thành danh ở Mỹ và châu Âu đến các thị trường phát triển nhanh ở châu Á, cuộc cách mạng thương mại điện tử đang tạo ra một thị trường cạnh tranh vượt qua ranh giới địa lý.
Với các điều kiện pháp lý thuận lợi, đầu tư nước ngoài mở rộng và khả năng tiếp cận internet được cải thiện, hệ sinh thái thương mại điện tử của Việt Nam đang sẵn sàng phát triển bền vững, biến Việt Nam thành một cường quốc khu vực trong nền kinh tế số. Thương mại điện tử chiếm hơn 60% nền kinh tế số của Việt Nam, trong khi một phần đáng kể trong số 40% còn lại thuộc về dịch vụ gọi xe và phương tiện truyền thông trực tuyến. Ngoài ra, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư toàn cầu. Các dự báo cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ phát triển để trở thành các trung tâm quan trọng.
Việt Nam sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng thương mại điện tử Đông Nam Á, do nước này được công nhận là có một trong những môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho thương mại điện tử trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo khảo sát của Facebook và Bain & Company, đến năm 2026, Việt Nam được dự báo sẽ vượt qua các quốc gia Đông Nam Á khác và trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực.
Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích môi trường không dùng tiền mặt để hạn chế các giao dịch tiền mặt xuống dưới 10% tổng số thanh toán. Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể tăng trưởng thương mại điện tử quốc gia phù hợp với các chiến lược Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm thiết lập nền kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam được dự báo sẽ đứng thứ ba ở Đông Nam Á về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025 với 571,12 tỷ USD, sau Indonesia (1.630 tỷ USD) và Thái Lan (632,45 tỷ USD). Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua nền kinh tế Thái Lan sau năm 2028. Xu hướng này được dự đoán sẽ thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử của Việt Nam bằng cách tăng sức mua của người tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài lớn hơn và củng cố vị thế của nước này như một quốc gia dẫn đầu nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực.
Theo ước tính của IMARC, ngành thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 28% từ năm 2025-2033. Bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển của đất nước này có đặc trưng là các nền tảng thành công ở trong nước bao gồm Tiki, Sendo và Thegioididong, nhờ khoản đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore.
Singapore, là một trung tâm kinh tế khu vực, được kết nối chặt chẽ với thị trường thương mại điện tử của Việt Nam thông qua các công ty như Shopee và Carousell. Các nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore, bao gồm Temasek, GIC và các công ty khác đã tài trợ cho các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam.
Hàn Quốc, với năng lực công nghệ mạnh mẽ và sự quan tâm ngày càng tăng đối với Đông Nam Á, đang ngày càng nhắm đến lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam. Nền tảng thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc (được ví là "Amazon Hàn Quốc"), đang khám phá khả năng thâm nhập vào Việt Nam, khai thác chuyên môn của chính mình trong lĩnh vực hậu cần và các giải pháp công nghệ. Ngoài ra, các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung và LG đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại điện tử để quảng bá các sản phẩm điện tử của họ tại Việt Nam.
Có 7 yếu tố giúp Việt Nam thu hút sự chú ý của thế giới. Thứ nhất là tiềm năng tăng trưởng cao, nhờ các yếu tố bao gồm dân số trẻ và am hiểu công nghệ, chính sách thuận lợi của chính phủ, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng và nền kinh tế tập trung mạnh vào xuất khẩu; Thứ hai là môi trường đầu tư thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách khác nhau, chẳng hạn như nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài, ưu đãi thuế, giảm thuế suất, chính sách lao động linh hoạt, cải thiện quan hệ lao động, hỗ trợ quan hệ đối tác công tư và các chính sách khác để tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện; Thứ ba là Việt Nam có vị trí chiến lược, là cửa ngõ đến các thị trường Đông Nam Á khác. Thứ tư là sự ổn định kinh tế và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Thứ năm là sự hỗ trợ của Chính phủ cho chuyển đổi số. Tiếp theo là việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã nâng cao vai trò của Việt Nam là một trung tâm thương mại khu vực. Cuối cùng là lực lượng lao động trẻ và lành nghề, am hiểu công nghệ và có thể thích ứng với yêu cầu của ngành thương mại điện tử.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()