Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:30 (GMT +7)
Viện truy tố khung từ 10-20 năm tù, toà tuyên miễn hình phạt cho cả 4 bị cáo
Thứ 3, 18/06/2024 | 14:26:39 [GMT +7] A A
4 bị cáo trong Vụ án kit test Việt Á ở Cà Mau bị truy tố trong khung từ 10 đến 20 năm tù nhưng được HĐXX tuyên miễn hình phạt.
Chiều ngày 17-6, Toà án tỉnh Cà Mau đã xét xử sơ thẩm vụ án kit test Việt Á, tuyên miễn hình phạt cho cả 4/4 bị cáo.
Các bị cáo được miễn hình phạt trong vụ án kit test Việt Á tại Cà Mau bao gồm Nguyễn Văn Dũng, Cựu giám đốc Sở Y tế Cà Mau; Lê Ngọc Định, cựu Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Y tế Cà Mau; Đặng Hải Đăng, cựu Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau và Hồ Quang Nhu, cựu Phó trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau.
Theo cáo trạng, 4 bị cáo trên đã có hành vi làm trái quy định trong đấu thầu mua kit test Việt Á trong giai đoạn bùng phát dịch Covid19 năm 2020-2021, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 12 tỷ đồng. Cáo trạng truy tố cả 4 bị cáo theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự 2015- tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Điều khoản truy tố trên có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù. Tuy nhiên, các bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như khắc phục hậu quả tốt, thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, có nhiều đóng góp trong công tác... HĐXX nhận định các bị cáo thoả mãn quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 54, thoả mãn điều kiện hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt theo điều 59 Bộ luật hình sự 2015.
Từ đó, HĐXX tuyên miễn hình phạt cho toàn bộ 4 bị cáo trong vụ án kit test Việt Á này. Phần thiệt hại trong vụ án hơn 12 tỷ đồng đã được xử lý ở Vụ án kit test Việt Á do Toà án Hà Nội đã xét xử, nên không xem xét trong vụ án này. Tài sản bị kê biên của các bị cáo cũng được tuyên hủy kê biên, trả lại cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, trong năm 2020 và 2021, khi dịch Covid19 bùng phát, chủ trương của Trung ương và địa phương cho phép các đơn vị y tế, theo thẩm quyền được chỉ định thầu theo thủ tục rút gọn khi mua thuốc, vật tư y tế cần thiết chống dịch.
Tuy nhiên, các bị cáo đã mượn kit test và hoá chất của Việt Á trước rồi hợp thức hóa hồ sơ lựa chọn nhà thầu sau. Quá trình hợp thức hoá, các bị cáo dựa vào giá tham khảo chỉ do người của Công ty Việt Á cung cấp, từ đó mà ưu thế giá luôn thuộc Công ty Việt Á nên Việt Á được chọn lựa.
Và 5 hợp đồng thầu do bị cáo Đặng Hải Đăng, Cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau ký với Công ty Việt Á mua kit test và hoá chất (hơn 6 tỷ đồng) đã làm thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 3 tỷ đồng. Bị cáo Hồ Quang Nhu, cựu Phó trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau là người tham mưu thực hiện hợp thức hoá các hợp đồng thầu này.
Cả 4 bị cáo không bị coi là có án tích
Căn cứ Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 quy định xóa án tích thì cả 4 bị cáo sẽ không bị coi là có án tích.
Cụ thể, Điều 69 quy định về xóa án tích như sau:
1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Còn 3 hợp đồng thầu do ông Nguyễn Văn Dũng, cựu Giám đốc Sở y tế ký với Công ty Việt Á (vẫn là mua kit test và hoá chất) có giá trị hơn 37,3 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,1 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định bị cáo Nguyễn Văn Dũng không có nhận bất cứ quà cáp, tiền bạc từ Công ty Việt Á. Bị cáo Lê Ngọc Định được Công ty Việt Á tặng 1,550 tỷ đồng. Bị cáo Đặng Hải Đăng được tặng 1,155 tỷ đồng. Bị cáo Hồ Quang Nhu được tặng 120 triệu đồng. Toà tuyên sung công toàn bộ số tiền này.
Theo PLO
Liên kết website
Ý kiến ()