Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:37 (GMT +7)
Viêm họng vì dùng điều hòa, nhiều người vội đi khám vì tưởng mắc Covid-19
Thứ 4, 01/09/2021 | 11:51:41 [GMT +7] A A
Dịch bệnh khiến nhiều người không ra ngoài, cả ngày ở trong phòng điều hoà. Thói quen lạm dụng điều hoà đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhiều người.
Dịch bệnh ở nhà cả ngày không ra ngoài, trời lại nắng nóng nên chị Hương gần như chỉ ở trong phòng và bật điều hoà. Được một thời gian thì chị bị đau họng, húng hắng ho. Chị đi xét nghiệm Covid-19 nhưng không phải, bác sĩ kết luận chị bị viêm họng do lạm dụng điều hoà.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa An Việt (Hà Nội), không chỉ mùa hè mà thời gian nắng nóng nào số bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý tai mũi họng cũng tăng lên đặc biệt đó là tình trạng đau, viêm họng do nằm điều hòa không đúng.
"Sai lầm đầu tiên khi sử dụng điều hòa là đặt nhiệt độ quá thấp khiến cơ thể dễ bị cảm do chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa bên trong và bên ngoài phòng. Ngồi ngay dưới luồng gió máy lạnh cũng dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến ngạt mũi, ho. Ngoài ra, đóng cửa kín cả ngày để dùng điều hòa nên bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trong phòng không thoát ra được, dẫn đến các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp", bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An cho biết.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, rất nhiều người sai lầm khi lạm dụng điều hoà dẫn tới các bệnh lý tai mũi họng.
PGS. TS Hoài An chỉ rõ, khi mở điều hòa, lượng oxy sụt giảm bằng một phần ba so với phòng mở cửa, đồng thời với các phòng đều khép kín khiến không khí trong phòng khó lưu thông, làm cho vi khuẩn bám trên bề mặt da hoặc niêm mạc đường hô hấp của những người sống chung phòng, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thói quen đi ngủ nhiều người thở bằng miệng làm cho niêm mạc miệng khô càng dễ nhiễm virus và vi khuẩn hơn gây ra tình trạng đau họng khi ngủ dậy.
PGS An nhấn mạnh, khi dùng điều hòa cần biết cách kiểm soát nhiệt độ phòng có thể để nhiệt độ phòng từ 26 đến 28 độ C. Nhà có trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ cần duy trì nhiệt độ 28 độ C. Ngưỡng nhiệt độ này được coi là phù hợp với hệ thống biểu mô của niêm mạc đường hô hấp.
Ngoài việc sử dụng điều hòa sao cho đúng, bác sĩ An cũng cho biết nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Có thể súc họng nước muối trước khi đi ngủ, sáng khi ngủ dậy để làm sạch họng, làm dịu cổ họng. Khi đi ngủ có thể dùng chăn mỏng để giảm gió từ điều hòa phả thẳng vào người. Không nên để điều hòa hết đêm mà nên hẹn giờ điều hòa.
Để giảm tình trạng khô họng, có thể sử dụng thêm một chậu nước trong phòng để giảm tình trạng không khí trong phòng khô hanh.
PGS. TS Hoài An cho biết khi bị đau họng thông thường bệnh sẽ khỏi sau vài ngày. Nếu quá 1 tuần không khỏi người bệnh nên đến khám tại các chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm, tránh đau họng chuyển sang mãn tính.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()