Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:08 (GMT +7)
Viêm gan E: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh
Thứ 2, 01/11/2021 | 08:52:59 [GMT +7] A A
Viêm gan virus E là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua thức ăn, nước uống và có liên quan mật thiết với môi trường sống, đặc biệt, bệnh dễ lây lan trong mùa mưa lũ.
Viêm gan E có thể tự khỏi và hầu hết người nhiễm bệnh tự hồi phục mà không để lại biến chứng về lâu dài. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nên ác tính và nguy hiểm, nhất là khi bệnh nhân đang mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ. Bệnh có thể diễn biến mạn tính ở những bệnh nhân ghép tạng, nhiễm HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch…
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan E
Viêm gan E là bệnh viêm gan do virus viêm gan E gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường phân - miệng. Virus viêm gan E được đào thải qua đường phân của người hoặc động vật bị nhiễm, sau đó qua đường nước uống, đồ ăn bị nhiễm mầm bệnh không được nấu chín lây cho người bệnh khác.
Bệnh viêm gan E có thể gặp ở bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là các nước vùng nhiệt đới, đặc biệt là những nước vệ sinh môi trường kém, mưa, lũ thường hay xảy ra. Lý do là virus viêm gan E có trong phân, rác, nước thải khi mưa lũ về làm tràn ngập các vùng đất bẩn có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan A, E. Virus viêm gan E được đưa đến nhiều vùng dọc theo triền sông.
Từ nước, virus bám vào thức ăn như rau, thực phẩm (do dùng nước sông, ao hồ để rửa), nước uống. Khi con người ăn, uống phải loại thức ăn, nước uống đó sẽ mắc bệnh. Tuy vậy, mắc bệnh viêm gan E chỉ chiếm một tỷ lệ dưới 10%, nhưng điều đáng nói ở đây là bệnh dễ trở thành ác tính, có tỷ lệ tử vong khoảng 0,5 - 4%.
Virus viêm gan E có nhược điểm là sức đề kháng rất kém khi ra bên ngoài môi trường, chỉ cần đun sôi trong vòng từ 1 - 2 phút là có khả năng tiêu diệt được chúng.
Các con đường khác có thể lây nhiễm nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ bao gồm:
-
Ăn thịt hoặc sản phẩm làm từ thịt sống hoặc không được nấu chín lấy từ động vật bị nhiễm.
-
Truyền máu, chế phẩm máu của người đang bị viêm gan E cho người khác.
-
Lây truyền dọc từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.
Viêm gan siêu vi E là một bệnh có thể tự khỏi mà không cần đến tác động của thuốc. Tuy nhiên, đối với những đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, căn bệnh này rất nguy hiểm. Vì vậy, những người này khi phát hiện thấy dấu hiệu của bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và theo dõi sức khỏe.
2. Biểu hiện của bệnh viêm gan E
Triệu chứng của viêm gan E khá giống với các bệnh gan do virus A, B, C, D. Những triệu chứng của viêm gan virus E rất khó phân biệt với giai đoạn cấp của các viêm gan do virus khác và thường kéo dài trong 1-2 tuần.
Thời kỳ khởi phát
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, người mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, khiến cho nhiều người nhầm tưởng là biểu hiện của bệnh cảm cúm thông thường.
Thời kỳ toàn phát
Khi bệnh viêm gan E bước vào giai đoạn mạn tính, người bệnh sẽ có những biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như:
-
Da, lòng trắng mắt và móng bị vàng.
-
Nước tiểu sẫm màu, phân bạc trắng; sụt cân nhanh chóng.
-
Đau nhức xương khớp và vùng hạ sườn phải (vị trí của gan)…
Trong giai đoạn khởi đầu và toàn phát, men gan thường tăng cao, sắc tố mật trong máu cũng tăng cao, đặc biệt là thời kỳ có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, phân bạc màu. Siêu âm gan sẽ phát hiện được những thay đổi về gan (như kích thước to, đường mật trong gan giãn...).
Trong trường hợp hiếm gặp, viêm gan E cấp tính có thể dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp) và có thể gây tử vong. Viêm gan tối cấp thường hay xảy ra hơn ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị biến chứng sản khoa và tử vong do viêm gan virus E. Viêm gan E có thể gây ra tỷ lệ tử vong 20% ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
3. Viêm gan E có nguy hiểm?
Phần lớn các bệnh nhân nhiễm virus viêm gan E không có bộc lộ triệu chứng rõ rệt. Thường bệnh nhân có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể sau 2-6 tuần. Một số ít trường hợp có thể tiến triển gây biến chứng nặng như xơ gan, suy gan, tử vong, nhất là đối với phụ nữ đang mang thai.
Bệnh viêm gan E trở nên nguy hiểm hơn đối với người mắc bệnh gan mạn tính, người ghép gan, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc rối loạn chức năng gan. Cũng giống như các loại viêm gan khác, biến chứng có thể gặp ở bệnh viêm gan E bao gồm:
-
Giảm tiểu cầu.
-
Viêm tụy cấp.
-
Huyết tán, giảm sản tủy.
-
Biến chứng thần kinh: viêm não màng não cấp, teo cơ thần kinh,…
-
Rối loạn miễn dịch: viêm cầu thận, viêm cầu thận, hội chứng cryoglobulin niệu…
4. Điều trị viêm gan E
Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu với viêm gan E cấp, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, tránh dùng các thuốc có thể gây tổn thương gan. Các bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị làm giảm nhẹ các triệu chứng.
Khi sử dụng các loại thuốc thì cần sự tư vấn hay chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng các loại thuốc mà không được bác sĩ chỉ dẫn. Đặc biệt không được dùng thuốc chứa paracetamol do dễ gây hại cho gan.
Kết hợp với việc uống thuốc người bệnh cũng cần phải:
-
Nghỉ ngơi để phục hồi lại sức khỏe, sau khi khỏi thì cũng chỉ nên làm việc nhẹ nhàng và từ từ.
-
Tránh vận động mạnh, làm việc quá sức hay quá nặng để bệnh không tái phát lại.
-
Thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể, đặc biệt là các loại trái cây hay sinh tố.
-
Có một chế độ ăn đảm bảo an toàn vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng.
-
Tránh không uống chất có cồn như rượu bia và nó sẽ gây tổn hại lớn cho gan.
5. Phòng bệnh viêm gan E
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm gan E là do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước sau lũ lụt. Vì thế cần phải vệ sinh môi trường tốt, đặc biệt là sau mưa lũ, đồng thời có biện pháp xử lý chất thải tốt ở các vùng triền sông và miền núi.
Để phòng ngừa hiệu quả viêm gan virus E, cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh và khoa học. Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, thực phẩm giàu vitamin, protein, thịt, cá để hệ miễn dịch và sức đề kháng được cải thiện, sức khỏe của gan và sức khỏe tổng thể được nâng cao.
Thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, được rửa sạch và nấu chín kỹ. Nên dùng nguồn nước sạch, không uống hoặc dùng nước không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời không ăn các động vật có vỏ sống tại vùng nước nhiễm khuẩn, không ăn thịt động vật sống, còn tái hoặc chưa nấu chín kỹ.
Trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với vật dụng công cộng, nên dùng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn vệ sinh tay.
Tăng cường giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Luyện tập thể thao và vận động mỗi ngày để thể trạng, hệ miễn dịch, sức đề kháng được nâng cao. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa. Khám sức khỏe và kiểm tra chức năng gan định kỳ.
Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai - nhóm đối tượng có nguy cơ biến chứng cao, nếu có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()