Viêm da cơ địa (eczema) là bệnh viêm da tái phát mạn tính, nguyên nhân thường do di truyền, môi trường và rối loạn đáp ứng miễn dịch. Một số trẻ bị viêm da cơ địa do mắc bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, mày đay, dị ứng theo mùa... Đây đều là những bệnh thường gặp khi thay đổi thời tiết.
Ngày 30/7, BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu hanh khô, mưa nắng thất thường khiến nhiệt độ nóng - lạnh đột ngột, ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên gây dị ứng ở da, khiến trẻ dễ viêm da cơ địa. Trời mưa gió, ẩm mốc khiến thực phẩm dễ hư hỏng, nhiễm khuẩn, nguồn nước ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém... cũng là những yếu tố làm khởi phát đợt cấp của viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa thường khởi phát ở trẻ trong năm đầu đời và dần ổn định sau khi trẻ hai tuổi. Tuy nhiên có một số trường hợp phát bệnh sau 5 tuổi hoặc diễn tiến mạn tính suốt đời. "Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống", bác sĩ Trang nói.
Tùy từng trẻ và giai đoạn mà bệnh có các biểu hiện khác nhau như mụn nước, da ửng đỏ, chảy dịch, đóng vảy... Các thương tổn này thường xuất hiện ở trán, má, cằm hay tay, chân. Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi bị viêm da cơ địa.
Như bé Vy, 9 tháng tuổi, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do nổi nhiều ban đỏ, tróc vảy ở má, cổ, ngực, tay. Bé ngứa, khó chịu, liên tục quấy khóc. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng da do viêm da cơ địa bội nhiễm (xuất hiện thêm vi khuẩn hoặc virus khác).
Mẹ bé cho biết bản thân cũng bị viêm da cơ địa, tuy nhiên bệnh của bé thường tái phát nặng hơn khi giao mùa hoặc sau khi bé dùng bột ăn dặm có trứng gà, vịt, tôm, cua... Bệnh nhi được điều trị bằng kháng sinh và thuốc dưỡng ẩm toàn thân giảm triệu chứng, đồng thời ngừng ăn các loại thực phẩm gây dị ứng.
Trường hợp khác là bé Phương, 5 tuổi và em trai một tuổi đều bị viêm da cơ địa mạn tính. Khoảng một năm trước, bé thường xuyên ngứa, khó chịu, hay gãi mạnh làm da trầy xước, rỉ máu. Tình trạng này kéo dài khiến bé biếng ăn, khó ngủ. Khi đi khám, gia đình mới biết em dị ứng với tôm, thịt gà, cá ngừ khiến da dễ ngứa, trầy và viêm nhiễm.
Nếu trẻ không được chăm sóc và điều trị kịp thời gây khó chịu, quấy khóc, ăn kém, ngủ không ngon... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp ghi nhận trẻ bị biến chứng như nhiễm trùng, nhiễm nấm, dày da, tăng sắc tố...
"Hiện chưa có thuốc điều trị triệt để bệnh", bác sĩ Trang nói, thêm rằng bảo vệ hàng rào da và phòng ngừa các tác nhân khiến bệnh khởi phát rất quan trọng. Khi trẻ bị viêm da cơ địa, phụ huynh cần bôi thuốc dưỡng ẩm giúp làm mềm da toàn thân, chú ý bôi ở mặt, tay, chân. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bôi thuốc cho trẻ, tuyệt đối không tự ý tắm nước lá truyền miệng.
Ý kiến ()