Người sau tiêm vaccine Covid-19 không nên tự điều khiển phương tiện cá nhân khi cảm thấy không khỏe. Không bôi, không đắp thuốc hay bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM: "Trong 48 giờ đầu sau tiêm vaccine Covid-19 và kể cả sau đó, nếu cảm thấy trong người không khỏe thì không nên làm việc nặng, không nên tập gym, không nên ăn các thức ăn lạ sau tiêm."
Ngoài ra, theo Phó giáo sư, Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, người sau tiêm vaccine cần tránh bia rượu, vì bia rượu sẽ làm cơ thể mất nước, gây nhức đầu, mệt mỏi nhiều hơn.
Bác sĩ Niên khuyến cáo sau khi tiêm vaccine triệu chứng phổ biến là có thể bị sốt, do đó cần phải bổ sung đủ nước, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, có thể sẽ có cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, nên chọn ăn món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo thịt, các món nước, súp yêu thích.
Trong chế độ dinh dưỡng cần chú ý các món ăn lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch. Các chất dinh dưỡng như vitamin A, C, D, E, protein (chất đạm), kẽm... đóng vai trò quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch. Bạn nên ăn nhiều loại rau, trái cây có các màu sắc khác nhau. Vitamin D trong trứng, cá trong mỡ, sữa, nấm...
Người sau tiêm vaccine nên ăn đa dạng các loại ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, thịt gia cầm và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu hũ, các loại hạt...
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau tiêm, người dân lưu số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Theo Bộ Y tế, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất. Các cơ sở tiêm chủng phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Theo hướng dẫn về tập huấn tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TP HCM ngày 20/6, các triệu chứng thường gặp sau tiêm vaccine Covid-19 rất phổ biến (≥10%) gồm đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38 độ C), ớn lạnh. Triệu chứng sưng và đỏ tại vị trí tiêm phổ biến ở mức độ từ 1-10%.
Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên gồm sốt cao > 39°C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp...
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine Covid-19 là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như tê quanh môi hoặc lưỡi...; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xấm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...
Sau tiêm, nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng, người dân cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin sức khỏe cá nhân, tình trạng hiện tại như: đang bị sốt, mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính; các thuốc, liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng gần đây; tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào .
Nếu là lần tiêm thứ hai thì phải thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 lần trước, tình trạng nhiễm nCoV (nếu có); hoặc các vaccine tiêm/uống trong vòng 14 ngày qua; tình trạng đang mang thai hoặc nuôi con bú nếu là nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Ý kiến ()