Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:44 (GMT +7)
Vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ khiếm thị
Thứ 4, 21/09/2022 | 11:09:20 [GMT +7] A A
Đối với trẻ em khuyết tật nói chung, trẻ khiếm thị nói riêng, việc được học tập cùng các bạn bình thường đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là giúp trẻ hiểu đúng và phát triển được năng lực của bản thân, từ đó vượt lên khó khăn, tự tin nuôi dưỡng những ước mơ tươi đẹp.
Ở lớp 8C3, Trường THCS Hồng Thái Tây, TX Đông Triều, có một nữ sinh rất đặc biệt: Từ lúc chào đời đến nay, em Hoàng Thị Thư chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Mặc dù vậy, em luôn là một cô bé lạc quan, sáng dạ và rất ham học.
Sau khi học hết cấp 1 tại một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thị tại TP Hải Phòng, Thư trở về địa phương. Nhà Thư có 3 anh chị em, hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả gì nhưng trước nguyện vọng tha thiết của con gái, bố mẹ Thư quyết định xin cho em vào học lớp 6 tại Trường THCS Hồng Thái Tây để hòa nhập với các bạn. Lúc này, nhà trường đứng trước lựa chọn khó khăn vì việc dạy học cho trẻ em khiếm thị chưa bao giờ có tiền lệ. Sau khi xem xét hoàn cảnh của học sinh, cân nhắc và bàn bạc kỹ lưỡng, Trường THCS Hồng Thái Tây đã quyết định nhận Hoàng Thị Thư vào học.
Thư chia sẻ: “Em rất vui và hạnh phúc khi được học ở ngôi trường này. Thầy cô và các bạn ai cũng yêu thương, giúp đỡ khiến em không còn tự ti, mặc cảm nữa. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và thầy cô giáo. Ước mơ của em là sau này lớn lên sẽ trở thành một cán bộ của Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh và giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh giống em”.
Là giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp dạy môn Văn của lớp 8C3, cô giáo Nguyễn Thị Lan cho biết: "Tôi không được đào tạo để dạy học cho trẻ khiếm thị, trang thiết bị dạy học không có nên thời gian đầu, cả cô và trò đều gặp rất nhiều khó khăn. Do bị khiếm thị nên em Thư cũng rất hạn chế trong việc đi lại, tham gia các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, sự thiệt thòi cũng như sự thông minh và nỗ lực của em khiến tôi rất cảm động. Tôi đã xây dựng một kế hoạch giáo dục hòa nhập riêng và thường xuyên trao đổi với các thầy cô bộ môn để áp dụng với em Thư. Mục tiêu chính là tạo điều kiện cho em được học tập tối đa các môn cơ bản, đồng thời cũng hướng dẫn, giúp đỡ em rèn luyện các kỹ năng, để từng bước thu hẹp khoảng cách với các bạn bình thường".
Mỗi ngày lên lớp, Thư dùng sách giáo khoa chữ nổi Braille để học, kết hợp với việc nghe giảng và ghi chép. Khi cần kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của em, các thầy cô giáo thường áp dụng hình thức vấn đáp. Cũng có lúc, các bạn trong lớp giúp em viết bài kiểm tra ra giấy. Nhờ sự tập trung, chăm chỉ và khả năng tiếp thu tốt, hết năm lớp 6, Thư đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Năm học lớp 7 vừa qua, em đã vươn lên đạt học lực giỏi.
Em Mạc Đặng Phương Nhi, học sinh lớp 8C3, Trường THCS Hồng Thái Tây, cho biết: "Khi mới đến lớp Thư rất rụt rè nhưng chúng em luôn quan tâm, giúp đỡ để bạn làm quen với mái trường, thầy cô và các bạn. Mặc dù bị khiếm thị nhưng Thư tiếp thu bài rất nhanh và hăng hái phát biểu. Những chỗ nào bạn chưa rõ chúng em sẵn sàng giải thích để bạn hiểu bài hơn. Thư thực sự là một tấm gương sáng để chúng em noi theo".
Không chỉ học tập tốt, Thư còn rất tự tin, hoạt bát, hòa đồng với các bạn. Đặc biệt, cô bé có giọng hát hay, nên đã được các thầy cô động viên tham gia biểu diễn trong một số chương trình văn nghệ của nhà trường. Qua đó, giúp em rèn luyện thêm kỹ năng sống và vui hơn sau mỗi ngày đến lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Thái Tây, TX Đông Triều, chia sẻ: "Việc nhận trẻ em khiếm thị vào học hòa nhập với các bạn bình thường là một thử thách thực sự đối với nhà trường và các thầy cô giáo. Song đó cũng là tình cảm, là trách nhiệm của chúng ta trong việc giúp đỡ các em vơi bớt thiệt thòi trong cuộc sống. Qua thực tế triển khai 2 năm học vừa qua, hình thức giáo dục này đã hỗ trợ em Thư nâng cao tri thức, phát triển các kỹ năng, tự tin hòa nhập với các bạn. Mặt khác, sự có mặt của Thư cũng giúp các em học sinh khác biết cảm thông, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Trường THCS Hồng Thái Tây sẽ luôn mở rộng cửa đón nhận những em học sinh kém may mắn như vậy!”
Tuy nhiên, Hoàng Thị Thư không phải là trường hợp phổ biến. Hiện nay, theo thống kê của Hội Người mù Quảng Ninh, trên địa bàn toàn tỉnh có 16 trẻ em khiếm thị ở các mức độ khác nhau. Trong đó, đa số các em bị thêm các dạng khuyết tật khác về cơ thể và trí tuệ nên không thể đi học. Số còn lại không phải em nào cũng được học chữ nổi và có thể học hòa nhập với các bạn học sinh bình thường. Vì vậy, cả xã hội, đặc biệt là gia đình và các nhà trường cần quan tâm, chung tay và nỗ lực hơn nữa để các em bớt thiệt thòi, đồng thời có cơ hội hòa nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.
Hương Giang
Liên kết website
Ý kiến ()