Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:41 (GMT +7)
Vì sao vàng trong nước đắt hơn thế giới 9 triệu đồng/lượng?
Thứ 5, 12/08/2021 | 07:57:46 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới là nguồn cung hạn chế và nhu cầu mua để tích trữ thay vì giao dịch của người dân.
Trong khi thị trường vàng thế giới đang trải qua giai đoạn giao dịch kém tích cực khi liên tục giảm sâu xuống dưới vùng 1.800 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước lại ghi nhận xu hướng giảm thấp hơn.
Điều này đã khiến chênh lệch giá giữa 2 thị trường trong nước và thế giới bị nới rộng lên mức 9 triệu đồng/lượng. Theo đó, người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn gần 20% để mua cùng một lượng vàng so với giá thế giới.
Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty AFA Capital, cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng chính là việc giá kim quý thế giới đã giảm rất sâu giai đoạn nay.
Thanh khoản vàng vật chất xuống thấp
Theo ông Tuấn, giá vàng thế giới đã giảm liên tục 2 tuần gần đây sau khi chính phủ Mỹ công bố các chính sách tài khóa mới, bao gồm các gói cứu trợ 1.000 tỷ USD đầu tư hạ tầng, và gói an sinh xã hội khoảng 3.500 tỷ USD.
“Đây là lượng tiền rất lớn được bơm ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của biến chủng Delta. Các chính sách này cũng cho thấy có vẻ tăng trưởng kinh tế Mỹ và lạm phát vẫn chưa đạt kỳ vọng của cơ quan quản lý nước này”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, với các chính sách kể trên, những tài sản mang tính trú ẩn như vàng sẽ bị bán đi và dòng tiền đầu tư sẽ tìm đến các tài sản rủi ro có lợi suất cao hơn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty AFA Capital. Ảnh: AFA Capital. |
CEO AFA Capital cho biết chênh 9 triệu đồng/lượng của vàng trong nước so với thế giới cũng là mức cao kỷ lục trong 2 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, không chỉ chênh lệch so với thế giới, giá vàng trong nước còn ghi nhận chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán, hiện phổ biến ở mức 700.000 đồng/lượng với vàng miếng SJC và 1,5 triệu/lượng với vàng nhẫn.
“Điều này không thể hiện giá vàng SJC đang tốt hơn vàng nhẫn. Theo thông tin tôi có được, toàn bộ giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện nay đã không còn thanh khoản, chỉ còn giao dịch vàng nhẫn, dẫn đến chênh lệch giá mua - bán giai đoạn này lên mức rất cao”, ông Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Tô Thanh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Vàng Sacombank - SBJ, cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay, việc mua bán vàng vật chất gần như không diễn ra tại các doanh nghiệp, trong khi giao dịch vàng tại các ngân hàng cũng ở mức thấp vì thanh khoản kém.
Riêng mặt hàng vàng nhẫn vẫn được các công ty bán ra qua kênh online.
Ông Hiệp cho rằng lý do khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao là vì vàng thế giới đang chịu tác động tiêu cực từ các chính sách tài khóa mới của Mỹ. Ngược lại, giá vàng trong nước không giảm sâu do nguồn cung khan hiếm.
Mua vàng chủ yếu để tích trữ
Theo CEO SBJ, tại Việt Nam, vàng được xem là một loại tài sản hữu hình nên nhu cầu của người dân, nhà đầu tư là mua để tích trữ, bảo vệ tài sản chứ không mua đi bán lại như thế giới.
Vì vậy, thị trường vàng trong nước có sự dịch chuyển ngược so với vàng thế giới gần đây.
“Đây là nguyên nhân chính khiến cung - cầu thị trường trong nước khác so với thế giới, từ đó làm chênh lệch giá giữa 2 thị trường lên gần 9 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, chênh lệch giá trong nước và thế giới duy trì ở mức cao cũng có một phần nguyên nhân từ việc giao dịch bị ảnh hưởng vì các quy định giãn cách xã hội. Trường hợp thị trường vàng trong nước giao dịch trở lại, mức chênh lệch này sẽ được thu hẹp.
Việc người dân và nhà đầu tư trong nước mua vàng chủ yếu để tích trữ là nguyên nhân khiến giao dịch thị trường vàng trong nước thấp hơn nhiều so với thế giới. Ảnh: Chí Hùng. |
Chia sẻ về hiện tượng này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng thị trường vàng trong nước không dao động cùng chiều so với thế giới có nguyên nhân từ Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.
Theo ông Hải, nghị định này đã khiến thị trường vàng trong nước trở thành một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, chuỗi cung ứng vàng miếng bị đứt đoạn vì thuộc phạm vi độc quyền của Nhà nước.
Toàn bộ giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện nay đã không còn thanh khoản, chỉ còn giao dịch vàng nhẫn
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty AFA Capital
Cụ thể, các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, PNJ hiện nay đều phải mua được vàng mới có thể bán ra, trường hợp không mua được đủ lượng vàng, doanh nghiệp buộc phải neo giá bán cao.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết nhà kinh doanh vàng trong nước vẫn neo giá mua - bán vàng ở mức cao hơn nhiều so với thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp vàng lớn tại TP.HCM cũng cho biết lý do khiến giá vàng miếng trong nước đắt hơn thế giới do các doanh nghiệp không được tự chủ nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất nên nguồn cung chủ yếu đến từ hoạt động mua đi bán lại, mua giá nào bán giá đó.
Hiện nay, khi doanh nghiệp không mua được vàng từ thị trường thì giá bán ra cũng không có cơ sở để giảm theo thị trường thế giới.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()