Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:35 (GMT +7)
Vì sao từng có "nghi vấn" Hồ Xuân Hương không có thật?
Thứ 4, 27/07/2022 | 14:12:02 [GMT +7] A A
Ở nhiều tài liệu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương luôn có dòng chữ “không rõ lai lịch”, và nhiều lần giới nghiên cứu từng đặt nghi vấn về sự tồn tại thực sự của nhà thơ đặc dị có tên Hồ Xuân Hương.
Có rất nhiều giai thoại khác nhau về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Thơ ca độc đáo của bà đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến nửa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX gây kinh ngạc với giới nghiên cứu và các thế hệ độc giả.
Nhiều người đã đặt câu hỏi, “Có hay không một Hồ Xuân Hương như thế trên đời?”, “Có hay không một tác giả nữ của tất cả những bài thơ Nôm phá cách phi thường mà lâu nay người ta vẫn cho là “của Hồ Xuân Hương?”.
Những giả thiết của giới nghiên cứu
Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đỗ Lai Thúy từng đặt nghi vấn: “Hồ Xuân Hương chỉ là cái mặt nạ nữ nhân để cho những nho sỹ đực trút vào đấy những ẩn ức?”. Hay Giáo sư chuyên ngành Văn học Trần Ngọc Vương cho rằng Hồ Xuân Hương là: “Sự nổi loạn nặc danh, phản ánh nhu cầu của một số đông nào đó, rộng hơn, nhu cầu giải phóng cảm xúc của xã hội”.
Không ít người đồng tình với những giả thiết đó, họ cho rằng Hồ Xuân Hương chỉ là bút danh của một nhóm tác giả, hoặc của một tác giả đàn ông nào đó, nói lên ẩn ức dục tính của mình.
Những giả thiết này càng được đặt ra và gây tranh luận trong thời gian dài, sau khi phát hiện tập thơ “Lưu Hương Ký” vào năm 1964. Tập thơ gồm 52 bài: 24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm.
Theo những cuốn sách nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, trong tập thơ “Lưu Hương Ký” có một bài tựa viết được viết vào năm 1814 của một người có biệt hiệu là Tốn Phong, người Nghệ An.
Trong bài tựa, Tốn Phong tự nhận mình là bạn của Hồ Xuân Hương, tự Cổ Nguyệt Đường, con cháu họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chính Hồ Xuân Hương đã nhờ ông viết lời tựa. Đây được coi là văn bản cổ nhất liên quan đến thơ ca Hồ Xuân Hương.
Trước khi “Lưu Hương Ký” được phát hiện vào năm 1964, toàn bộ những bài thơ Nôm được truyền tụng là thơ Hồ Xuân Hương chỉ được lưu hành trong dân gian trong cả thế kỷ. Tất cả những bài thơ Nôm lưu truyền này được tuyển tập lại và phát hành lần đầu vào năm 1913 với tựa đề “Xuân Hương thi tập”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, thơ ca trong cuốn “Xuân Hương thi tập” được cho là rất khác với các tác phẩm trong “Lưu Hương Ký”. Theo giáo trình văn học của Đại học Cần Thơ nhận định: “... tập thơ "Lưu Hương Ký" mang bút danh của nữ sĩ do ông Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với một nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ viết về tâm sự và những mối tình của mình với những người bạn trai.
Đọc kĩ người ta thấy có một khoảng cách khá xa giữa tập thơ Nôm của Xuân Hương và "Lưu Hương Ký", chủ yếu là về phong cách biểu hiện. Trong Lưu Hương Ký có cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm.
Riêng phần thơ chữ Nôm trong "Lưu Hương Ký" nếu so sánh với thơ lâu nay được coi là của Hồ Xuân Hương thì hai bên vẫn có sự khác nhau. Thơ cữ Nôm trong "Lưu Hương Ký" có rất nhiều từ Hán Việt, giọng thơ lại hiền lành chứ không góc cạnh, gân guốc như ở “Xuân Hương thi tập””.
Từ sự khác nhau giữa “Lưu Hương Ký” và “Xuân Hương thi tập”, rất nhiều giả thiết đã được đưa ra quay quanh xuất thân, lai lịch và nhà thơ có bút danh “Hồ Xuân Hương”.
Tin vào Hồ Xuân Hương và tính nữ quyền vượt thời của một tài năng độc bản
Tài liệu trong những cuốn, “Thơ Hồ Xuân Hương” của nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1982 hay “Hồ Xuân Hương, tiểu sử văn bản: Tiến trình huyền thoại dân gian hóa” nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội, 1999... đều ghi nhận những giả thiết gây tranh cãi, tuy nhiên giới phê bình cho rằng, vượt lên tất cả các giai thoại, giả thiết, họ vẫn tin rằng có một nữ sĩ Hồ Xuân Hương “vô tiền khoáng hậu” của thi ca Việt Nam.
Đông đảo thế hệ độc giả yêu văn học cũng tin rằng đã có một nhà thơ nữ với tài năng độc bản, cá tính mạnh mẽ như thế đã xuất hiện và làm nên chất riêng không thể thay thế, không thể trộn lẫn trong thi ca.
Trong bối cảnh xã hội phong kiến kìm kẹp, bóp nghẹt tiếng nói phụ nữ, Hồ Xuân Hương và thơ ca của bà đã vượt thoát khỏi mọi niêm luật, bứt phá khỏi mọi lễ giáo, nói lên tiếng nói đầy khát khao, bung tỏa về con người.
Những tài liệu được lưu truyền nhiều nhất cho rằng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhưng trong suốt cuộc đời mình, nữ sĩ chủ yếu sống ở kinh thành Thăng Long. Sinh thời, Hồ Xuân Hương có một ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây có tên là Cố Nguyệt Đường.
Bà từng đi nhiều nơi và quen biết với nhiều danh sĩ nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Du. Trong đó, còn có giai thoại cho rằng, giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du có một mối tình kéo dài trong 3 năm.
Cuộc đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trải qua nhiều thăng trầm, biến cố. Bà đi qua nhiều cuộc tình ngang trái, rơi vào cảnh ngộ éo le (làm vợ lẽ). Hình ảnh Hồ Xuân Hương trong thi ca là hình ảnh người phụ nữ kiêu hãnh, mạnh mẽ, luôn vượt thoát khỏi mọi vòng kiềm tỏa của tư tưởng phong kiến đương thời.
Với tài năng độc bản và tiếng nói nữ quyền độc đáo nhường ấy, độc giả và thế hệ yêu văn chương mọi thời, luôn tin rằng đã có một nữ sĩ Hồ Xuân Hương như thế xuất hiện, làm nên cái tôi tự do, tạo nên vị trí không ai có thể thay thế, và giúp thi ca Việt Nam phong phú gấp nhiều lần.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()