Một người cha kể chuyện về sự hối hận của con mình.
Khi được hỏi vì sao không chịu học lớp nhảy, đứa trẻ nói muốn học hát. Một tháng sau, đứa con lại nói không thích hát vì "tập khản giọng vẫn không hay". Người bố cho con nghỉ với suy nghĩ "còn nhỏ, không nên ép buộc".
10 năm sau, khi nhà trường tổ chức tiệc năm mới, đề nghị mỗi học sinh đăng ký một tiết mục. Con ông không được chọn vào bất cứ tiết mục nào vì "cái gì cũng không biết". Đứa trẻ ấm ức rồi trách bố không cho mình học đàn, hát. Người cha nhắc lại chuyện cũ. Đứa con bao biện rằng "khi đó con còn nhỏ chưa hiểu biết, nhưng chẳng lẽ bố cũng như vậy".
Đây là câu chuyện nhiều bậc cha mẹ gặp phải. Họ bối rối giữa việc tôn trọng sở thích, nhu cầu của trẻ và việc phải kiên trì, chấp nhận gian khổ theo đuổi mục tiêu dài hạn.
Trẻ em không thích học hành là điều phổ biến. Tuy nhiên, cha mẹ có nên thuận theo mong muốn của trẻ? Một số người cho rằng chiều con trong trường hợp này là vô trách nhiệm với tương lai trẻ. Nhiệm vụ của cha mẹ là động viên con kiên trì đeo đuổi mục tiêu, dù thích hay không.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội là tiến sĩ Carol Dweck và tiến sĩ Angela Lee Duckworth của Đại học Stanford đã chỉ ra, chỉ số IQ cao không đảm bảo thành công trong tương lai.
Angela Lee Duckworth phát hiện một số học sinh giỏi nhất của mình không có chỉ số IQ quá cao và những học sinh có IQ đáng mơ ước chưa chắc đã học tốt. Những gì học sinh giỏi nhất có là GRIT - được định nghĩa là niềm đam mê và sự kiên trì hướng tới các mục tiêu dài hạn.
Giáo sư Michael Howe trong cuốn sách Genius Explained của mình đã nhấn mạnh, điều làm cho những thiên tài trở nên đặc biệt là sự bền bỉ của họ. Ông chỉ ra những thiên tài, như Charles Darwin hay chị em nhà Bronte, những người đã mài giũa kỹ năng của mình qua nhiều năm làm việc chăm chỉ. Với sự hỗ trợ và khuyến khích của cha mẹ, những thiên tài này đã làm việc, thực hành và tập trung vào một nhiệm vụ cho đến khi họ thành thạo nó.
Làm thế nào để dạy trẻ kiên trì?
Có ba thành phần để dạy về sự bền bỉ: tính kiên trì, mục tiêu dài hạn và niềm đam mê hướng tới mục tiêu. Đơn giản hơn, cha mẹ có thể giúp con phát triển tính kiên cường là khuyến khích chúng chấp nhận những thử thách.
Chọn một thử thách
Bạn có thể giúp con bạn xây dựng những thử thách của riêng mình để cảm thấy tự hào khi chinh phục được điều đó. Hãy nói chuyện với con và tìm hiểu xem con nghĩ điều gì là thử thách thực sự đối với con, sau đó giúp con xây dựng kế hoạch để giải quyết.
Cùng con vượt thử thách
Khi bạn đặt ra thử thách cho con, hãy nói chuyện để giúp chúng vượt qua khó khăn. Qua mỗi thử thách, nên nhấn mạnh đến sự chăm chỉ của trẻ, đề cập tới tầm quan trọng của quá trình và những gì chúng học được thay vì nói về việc chúng có thành công hay không.
Khuyến khích thành công cao nhất
Khi bắt đầu giải quyết những thách thức, con có thể nóng ruột, muốn hoàn thành nhiệm vụ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên chuyên gia giáo dục Ron Berger gợi ý cha mẹ nên khuyến khích con hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình, đừng quá quan tâm đến thời gian. Điều này cho phép trẻ học cách quan tâm đến chất lượng công việc hơn là việc hoàn thành với tốc độ nào. Khi trẻ thể hiện hết khả năng của mình, tầm nhìn của trẻ sẽ được mở rộng.
Ý kiến ()