Theo ThS.BS Trần Quốc Việt, khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trong cà phê chứa các hóa chất có tác dụng kích thích nên sau khi uống có thể gặp phải một số triệu chứng bao gồm cả những thay đổi về chức năng tim. Sau khi tiêu thụ, caffeine đi vào máu, dạ dày, ruột non và bắt đầu kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cụ thể là các thụ thể thuộc các tế bào trong tim để tăng nhịp tim. Tác động của sự kích thích này làm tăng tốc độ lưu thông máu do nhịp tim tăng lên, nhịp tim có thể tăng tốc khoảng ba nhịp mỗi phút. Nhịp tim tăng có thể diễn ra ngay sau khi uống cà phê 15 phút và cơ thể mất khoảng 6 giờ để đào thải caffeine.
Bác sĩ Việt cho rằng cách cơ thể phản ứng với caffeine liên quan đến việc bạn có thói quen uống bao nhiêu. Những người không quen uống cà phê hoặc nhạy cảm hơn với caffeine có nhiều khả năng bị tim đập nhanh và cần tránh dùng. Đồ uống chứa chất này cũng có thể không có lợi cho những người mắc bệnh tim vì làm tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy ở người trưởng thành khỏe mạnh, việc thường xuyên tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine đôi khi sẽ làm rối loạn nhịp tim ở một số người nhưng lại không ảnh hưởng ở nhóm người khác.
Caffeine cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim sau khi bạn tập thể dục. Báo cáo từ một nghiên cứu khoa học năm 2017, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu tác động của việc phục hồi nhịp tim và huyết áp sau khi tập thể dục nhịp điệu. Họ phát hiện ra rằng caffeine có thể trì hoãn việc kiểm soát nhịp tim khiến cơ thể làm chậm nhịp tim sau khi tập thể dục.
Bao nhiêu caffeine là quá nhiều?
Caffeine có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn nhưng tác dụng phụ này không có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe. Chất này không gây đau ngực cho hầu hết mọi người, đặc biệt là khi tiêu thụ ở mức an toàn. Bác sĩ Việt cho biết, mức tiêu thụ an toàn là không quá 400mg caffeine mỗi ngày ở những người khỏe mạnh, tương đương khoảng 4 tách cà phê. Một số người nhạy cảm hoặc không dung nạp caffeine cũng có thể gặp các triệu chứng khó chịu khi dùng dưới 400mg.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo, tiêu thụ từ 80-100 tách cà phê có thể tạo ra một lượng caffeine gây chết người. AHA cũng nhận định, cà phê là đồ uống giàu chất chống oxy hóa nên uống cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí một số nghiên cứu còn cho rằng thức uống này có thể giúp một người sống lâu hơn. Những người uống cà phê lượng vừa phải sẽ giảm 7% nguy cơ bị nhịp tim không đều so với người không uống. Một số lợi ích khác của cà phê là giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư ruột kết, sỏi mật, phòng ngừa bệnh gan và bệnh Parkinson.
Ai không nên uống cà phê?
Nếu bạn bị các vấn đề về tim chẳng hạn như đau thắt ngực hoặc rối loạn nhịp tim, bác sĩ Việt cũng khuyên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị có nên hạn chế uống cà phê hay liều lượng tiêu thụ caffeine an toàn với bản thân.
Những người mắc một số bệnh nhất định có thể cần tránh hoặc hạn chế đồ uống chứa caffeine bao gồm: phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em và thiếu niên, người bị mất ngủ, người bị trào ngược axit hoặc loét dạ dày, người mắc chứng lo âu...
Ý kiến ()