Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:27 (GMT +7)
Vì sao số đầu sách mới giảm mạnh trong năm qua?
Thứ 3, 14/06/2022 | 15:52:16 [GMT +7] A A
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2021 khiến số đầu sách mới giảm mạnh. Dự đoán lượng sách mới tăng trong năm nay khi thị trường xuất bản đang có dấu hiệu tích cực.
Theo báo cáo của Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam về hoạt động của đường sách TP.HCM, số đầu sách mới làm ra trong năm 2021 của các đơn vị tại đường sách giảm 62% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 77,4% so với 2019.
Các nhà xuất bản, công ty sách ít đầu tư bản thảo dẫn đến tình trạng ít đầu sách mới. Đây là hệ quả nghiêm trọng của đại dịch.
Nhu cầu in lại sách xưa
Là đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi nhưng những năm gần đây, một trong các hướng đi mà Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện là đầu tư in ấn lại sách cũ.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho hay khảo cứu, văn học cũng là những mảng sách khá quan trọng của đơn vị này. Trên thị trường có nhiều đơn vị in lại sách xưa nhưng đối tượng của Nhà xuất bản Kim Đồng hướng tới là bạn đọc trẻ, nên cần sự đầu tư về mặt hình thức.
Lĩnh Nam chích quái là tác phẩm đã có nhiều đơn vị xuất bản thực hiện. Khi quyết định khai thác ấn phẩm này, Nhà xuất bản Kim Đồng muốn "biến nó trở thành cuốn sách nghệ thuật" với phần minh họa đặc sắc của họa sĩ Tạ Huy Long.
“Sự thử nghiệm này đã được giới chuyên môn đánh giá cao và bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, nhiều đầu sách xưa khác cũng được chúng tôi in lại, như Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, hay gần đây nhất là Nam Hải dị nhân liệt truyện và Truyền kỳ mạn lục cũng được đầu tư rất kỹ lưỡng về mặt mỹ thuật”, bà Liên nói.
Bà Lê Thị Hoài An - đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A - cũng cho hay xu hướng in lại sách kinh điển đã có từ lâu, không phải bắt đầu từ khi đại dịch bùng phát. Đây là một trong những định hướng phát triển của Đông A ngay từ những ngày đầu thành lập.
Ngày càng có nhiều đơn vị xuất bản coi việc in lại sách xưa là một trong những hướng đi của đơn vị mình. Theo bà Hoài An, điều này giúp bạn đọc có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh trong ngành bởi mỗi đơn vị sẽ có lợi thế riêng và hướng tới phân khúc khách hàng khác nhau.
“Đông A mong muốn đưa đến cho bạn đọc những tác phẩm văn học hay về mặt nội dung và đẹp về mặt hình thức. Hiệu quả kinh doanh đạt được từ dòng sách kinh điển là khả quan nên chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hướng đi này trong thời gian tới với nhiều dự án mới hơn nữa”, bà Hoài An tiết lộ.
Tác động của đại dịch trong việc xuất bản sách mới
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, số đầu sách mới được in trong năm qua giảm tới 62% so với cùng kỳ năm 2020 là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các quy định phòng, chống dịch, lệnh giãn cách xã hội khiến nhà sách phải đóng cửa, những hoạt động đông người phải tạm hoãn.
“Điều này tác động trực tiếp đến các dự án sách. Với chúng tôi, số lượng đầu sách xưa được in lại vẫn chiếm một con số nhỏ, chưa tạo nên sự chênh lệch giữa sách mới và cũ”, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng Liên lý giải.
Xu hướng in lại sách xưa nở rộ, nhưng theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - nguyên nhân chính dẫn đến số đầu sách mới giảm mạnh trong năm 2021 là do ngành xuất bản trải qua nhiều tháng gần như “đóng băng” vì phải làm việc từ xa, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, bản thảo khó được đem đến nhà in.
Nguyên nhân thứ hai nằm ở sự tăng trưởng về đầu sách mới còn quá nhanh so với tốc độ bán sách ra thị trường. Do đó, có những đơn vị đã phải điều chỉnh, tiết chế lại việc thực hiện đầu sách mới.
“Hơn nữa, lượng sách mới được in quá nhiều sẽ không tỷ lệ thuận với sức đọc của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng sức đọc của chúng ta còn thấp”, ông Lê Hoàng nhận định.
Trong khi đó, ông Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới - lý giải việc số đầu sách mới giảm trong năm qua đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, các đơn vị chúng ta tập trung tái bản và in lại sách cũ nhiều. Thứ hai, do xuất bản kỹ thuật số đang từng bước phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, xu hướng đọc sách điện tử và nghe sách nói tăng.
Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ mặt kinh tế. “Khó khăn từ đại dịch cho thấy việc in lại hoặc tái bản sẽ tiết kiệm hơn so với khai thác bản quyền sách mới hoặc trả tác quyền mới”, ông Lâm nói.
Thứ tư, trong thời điểm Covid-19 bùng phát, cả nước tập trung phòng, chống dịch, nhiều tác giả không có điều kiện để viết sách mới. Đây cũng là khó khăn chung của ngành xuất bản trên toàn thế giới.
“Khi dịch bệnh hoàn toàn chấm dứt, con người quay trở lại với trạng thái bình thường mới, tôi tin rằng tỷ lệ đầu sách mới được in sẽ tăng”, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới bày tỏ.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()