Trong 7 ngày trước đó, số bệnh nhân nặng được Bộ Y tế công bố hàng ngày khoảng hơn 4.300 đến hơn 4.900 ca.
Theo đại diện Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các đợt dịch trước đây, số lượng bệnh nhân chưa nhiều, việc quản lý dễ dàng hơn. Các cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo tình trạng bệnh nhân tại đơn vị lên Hệ thống quản lý, như số bệnh nhân mới, ca khỏi, tình trạng nặng, nhẹ... Trong đợt dịch thứ 4, đặc biệt ở TP HCM, số bệnh nhân tăng quá cao khiến việc cập nhật không xuể.
"Nhiều nơi có tình trạng tồn đọng số ca nhiễm, thậm chí không báo cáo lên Hệ thống của Bộ Y tế", đại diện Cục Khám chữa bệnh cho biết.
Từ ngày 28/9, Cục Khám chữa bệnh ứng dụng một hệ thống quản lý mới, cập nhật đầy đủ các tỉnh thành, các cơ sở khám chữa bệnh của từng địa phương. Do vậy số liệu cập nhật về tình hình Covid-19 cũng như tình trạng bệnh nhân được đầy đủ hơn. Ví dụ, trước đây hệ thống cũ chỉ cập nhật 46 cơ sở điều trị tại TP HCM, nay lên 96 cơ sở. Khi 96 cơ sở này báo cáo thì dữ liệu liên quan tình trạng bệnh nhân sẽ cao hơn.
Theo thống kê của Cục Khám chữa bệnh, tính đến trưa 29/9, cả nước có gần 90.000 bệnh nhân đang điều trị tại 596 cơ sở y tế. Trong đó, nhiều nhất là TP HCM với gần 38.000 ca ở 96 cơ sở điều trị, Bình Dương khoảng 31.000 ca ở 28 cơ sở điều trị.
Số bệnh nhân nặng tập trung chủ yếu ở TP HCM, với gần 6.000 ca, Đồng Nai hơn 420 ca, Bình Dương 345 ca. Số này đang giảm ở hầu hết các tỉnh, so với tuần trước. Trong đó, TP HCM giảm 11,5%, ở Bình Dương giảm hơn 27%, riêng Đồng Nai tăng lên 2,5%.
Số bệnh nhân đang điều trị đã có xu hướng giảm nhanh khi số người khỏi bệnh càng nhiều. Tại TP HCM, số đang điều trị giảm 5,7%, Bình Dương giảm 14% so với trung bình 7 ngày trước đó.
Ý kiến ()