Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:27 (GMT +7)
Vì sao Quốc Trường, Kiều Minh Tuấn bị diễn viên 10 tuổi 'đánh bại'?
Thứ 4, 14/09/2022 | 22:55:05 [GMT +7] A A
Vượt mặt Quốc Trường, Kiều Minh Tuấn, diễn viên nhí Trường Phú giành danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc tại giải Cánh diều 2021.
Lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19 của Hội Điện ảnh Việt Nam khép lại với chiến thắng ở hạng mục điện ảnh thuộc về Đêm tối rực rỡ. Tác phẩm chính kịch của đạo diễn Aaron Robert Toronto không chỉ giành giải cao nhất – Cánh diều vàng – mà còn thắng các hạng mục biên kịch, quay phim, diễn xuất.
Kết quả không thực sự bất ngờ. Bởi lẽ khi ra mắt hồi tháng 4 năm nay, tác phẩm nhận được khá nhiều lời khen từ giới phê bình lẫn khán giả. Chưa kể, đối đầu Đêm tối rực rỡ phần lớn là những dự án có chất lượng thấp, thậm chí khiến người xem phải thở dài ngao ngán vì nhiều vấn đề. Do đó, có thể nói dự án của Aaron Robert Toronto chiến thắng khá dễ dàng vì gần như không có đối thủ cân sức.
Cuộc chiến nhạt nhòa
Trong danh sách các tác phẩm tranh giải Phim truyện xuất sắc mảng điện ảnh, có đến 7/11 dự án thuần về giải trí. Số lượng phim tư nhân vẫn áp đảo so với phim nhà nước đặt hàng.
Đáng chú ý, có nhiều phim bị đánh giá thấp về chất lượng như Rừng thế mạng (Trần Hữu Tấn đạo diễn), Nhà không bán (Hoàng Tuấn Cường đạo diễn), Người lắng nghe: Lời thì thầm (Khoa Nguyễn đạo diễn). Điểm chung của cả ba là thuộc dòng phim kinh dị, khai thác một số khía cạnh mới nhưng kết quả không khả quan.
Được giới thiệu là phim sinh tồn, Rừng thế mạng có ý tưởng nhưng triển khai chưa tốt. Kịch bản bị khán giả đánh giá thấp khi tạo tình huống không hợp lý, tính cách nhân vật xây dựng quá đà, nhiều chi tiết gây tranh cãi như cảnh nhân vật chính thủ dâm trong rừng.
Ngoại trừ phần kịch bản có nỗ lực làm mới, Nhà không bán chưa thể làm hài lòng người xem vì nhiều điểm trừ. Cách khai thác đề tài còn cũ kỹ, đạo diễn lạm dụng yếu tố hài, chưa kiểm soát tốt kỹ thuật lẫn chỉ đạo diễn xuất hợp lý.
Người lắng nghe: Lời thì thầm cũng không khá hơn. Phim khai thác đề tài trị liệu tâm lý nhưng cốt truyện rối rắm, dài dòng và tham lam tình tiết. Cách đạo diễn dẫn dắt cũng chưa tốt, chủ yếu sử dụng thủ pháp jump scare cũ kỹ để hù dọa khán giả.
Hai tác phẩm Chìa khóa trăm tỉ và Nghề siêu dễ - đều do Võ Thành Hòa đạo diễn – lại là phim remake (làm lại). Dù doanh thu phòng vé khả quan, tính sáng tạo của cả hai tương đối thấp so với mặt bằng chung trong hạng mục.
Quy tụ phần lớn diễn viên hài, Chìa khóa trăm tỉ chỉ dừng ở mức phim chiếu tết, xem giải trí cho vui. Nghề siêu dễ thì lại có những thay đổi quá đà so với nguyên tác. Điển hình là cách đặt vấn đề khi biến nhân vật chính thành một cảnh sát về hưu, truy bắt tội phạm bằng cách kêu gọi nhiều thanh niên trong xóm về làm cộng sự.
Sự xuất hiện của loạt phim trong hạng mục Phim truyện xuất sắc cho thấy tinh thần cởi mở của ban giám khảo, không phân biệt thể loại, remake hay phim gốc. Song, chất lượng các đề cử thấp lại là tín hiệu báo động cho điện ảnh Việt. Đáng buồn hơn khi nhìn qua nhìn lại, năm nay cũng không còn cái tên xứng đáng để thay thế.
Chiến thắng quá dễ dàng
So với năm ngoái, cuộc chiến giữa những cái tên như Bố già, Gái già lắm chiêu V,.. khá khó đoán khi loạt ứng viên đều ngang tài ngang sức. Các phim có chất lượng khá đồng đều, doanh thu cũng ở mức cao.
Trong khi đó, Đêm tối rực rỡ gần như là cái tên duy nhất cân bằng được hai yếu tố thương mại và nghệ thuật. Khi ra mắt, tác phẩm từng gây bất ngờ khi có cú lội ngược dòng tại phòng vé, được khán giả chú ý nhờ hiệu ứng truyền miệng trên mạng xã hội.
Kết quả, phim thu về hơn 20 tỷ đồng - con số mà nhiều dự án đầu tư kinh phí lớn trong năm nay vẫn chưa thể đạt được.
Chuyện phim xoay quanh đêm tang gia của một gia đình ở miền Nam. Khi các thành viên quây quần bên nhau cũng là lúc mâu thuẫn xảy ra giữa các thế hệ. Từ đó, kịch bản cài cắm thông điệp về bạo lực gia đình, vai trò của tình thân và cách chữa lành nỗi đau.
Trước các ứng viên có chất lượng kém, chiến thắng của Đêm tối rực rỡ dường như quá dễ dàng. Đối thủ duy nhất chỉ có thể là Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần). Tuy nhiên dự án có phần thất thế vì thuộc thể loại thiếu nhi. Khi ra rạp, phim không được nhiều khán giả đón nhận dù chất lượng tốt. Doanh thu ở mức đáng buồn khi dừng chân ở con số hơn 6 tỷ, lỗ nặng so với kinh phí xấp xỉ 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đạo diễn Aaron Robert Toronto là người Mỹ còn Hàm Trần là người Mỹ gốc Việt. Cả hai đều được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm phim nhiều năm. Do đó, có thể nói các đạo diễn Việt vẫn đang ở vị thế kém hơn so với 2 đồng nghiệp.
Trong danh sách, khán giả đại chúng khó thể tiếp cận với các đại diện phim Nhà nước như Bình minh đỏ (NSND Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành đồng đạo diễn) hay Cơn giông (Trần Ngọc Phong đạo diễn).
Trái lại, hai dự án Lật mặt: 48h (Lý Hải đạo diễn) và Bẫy ngọt ngào (Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn) đều thắng lớn phòng vé nhưng không thuyết phục được ban giám khảo. Dù còn hạn chế ở mặt kịch bản (nhất là cái kết), tác phẩm đầu tay vẫn giúp đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư mang về Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Phim của Lý Hải cũng đạt hiệu ứng tốt nhưng đáng tiếc lại trắng tay tại giải Cánh diều năm nay. Trong khi đó, tác phẩm được đánh giá là sự lên tay của Lý Hải trong vai trò đạo diễn. Phim cũng nhận được phản hồi tích cực của giới phê bình.
Hạng mục phụ ít bất ngờ
Chất lượng phim thấp khiến ban giảm khảo không gặp nhiều khó khăn khi chọn gương mặt chiến thắng hạng mục diễn xuất. Cụ thể, giải Nam chính xuất sắc gọi tên Trường Phú (Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác), Nữ phụ xuất sắc thuộc về Nhã Uyên (Đêm tối rực rỡ).
Đặc biệt, diễn viên nhí Trường Phú (sinh năm 2012) đánh bại hoàn toàn những đồng nghiệp lớn tuổi như Quốc Trường (Bẫy ngọt ngào), Kiều Minh Tuấn (Chìa khóa trăm tỷ) để giành giải Cánh diều đầu tiên trong sự nghiệp.
Với vai cậu bé mồ côi trong Maika, Trường Phú gây ấn tượng với lối diễn tự nhiên, không cần kỹ thuật vẫn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Trái lại, diễn xuất của Quốc Trường hơi quá đà, nhiều đoạn lên gân và tạo cảm giác kịch. Trong khi đó, vai của Kiều Minh Tuấn tương đối nhẹ đô và quen thuộc, không có nhiều thách thức so với năng lực diễn viên.
Chiến thắng của Trường Phú là tín hiệu tốt dành cho thế hệ diễn viên nhí Việt Nam. Điện ảnh nước nhà vẫn còn nhiều “mầm non” cần được phát hiện và đào tạo đúng cách. Bên cạnh Trường Phú, Maika cũng có hai gương mặt nhí đóng rất hay là Chu Diệp Anh và Tin Tin. Bộ ba chính là linh hồn, giúp cho tác phẩm gần gũi hơn với người xem.
Ở hạng mục nữ phụ, Nhã Uyên là đối thủ nặng ký nên không gây bất ngờ khi được gọi tên. Cô vốn là vợ đạo diễn Aaron Robert Toronto, nữ chính kiêm biên kịch Đêm tối rực rỡ. Trước giải Cánh diều, Nhã Uyên từng thắng giải Best performance: female (Nữ diễn viên xuất sắc) tại liên hoan phim độc lập Santa Fe diễn ra ở Mỹ. Khi phim bấm máy, diễn viên đang mang bầu tám tháng nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc vai diễn, tạo được nhiều cảm xúc cho người xem.
Hai lựa chọn ở hạng mục diễn viên phụ cũng khá an toàn. Việc Bảo Hân thắng giải Nữ phụ xuất sắc (Bình minh đỏ) hay Xuân Trang giành giải Nam phụ xuất sắc (Đêm tối rực rỡ) dễ làm hài lòng số đông. Khó ai có thể phản đối hay chê bai khi hai gương mặt đều hoàn thành tốt vai diễn, góp phần làm nên thành công cho phim.
Nhìn chung, chiến thắng của Đêm tối rực rỡ, Trường Phú hay Nhã Uyên đều xứng đáng. Song, bộ phim hay những vai diễn đều chưa thực sự xuất sắc. Cánh diều vẫn phản ánh một phần diện mạo của điện ảnh Việt khi năm qua dịch bệnh, thị trường tương đối ảm đạm. Tuy nhiên để Cánh diều có thể bay cao thì chất lượng phim dự giải cũng phải thuyết phục hơn.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()