Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 03:14 (GMT +7)
Vì sao ông Trump quyết có bằng được Greenland?
Thứ 6, 10/01/2025 | 11:12:06 [GMT +7] A A
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, đang là tâm điểm trong chiến lược địa chính trị của ông Trump không chỉ vì vị trí đặc biệt mà còn vì nguồn tài nguyên hiếm có.
Trong tuyên bố ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump khẳng định Greenland đóng vai trò sống còn với an ninh Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế lên Đan Mạch nếu đề xuất mua hòn đảo này tiếp tục bị từ chối. Tuyên bố này làm dấy lên nhiều câu hỏi: Vì sao ông Trump quyết tâm, và liệu giấc mơ này có thành hiện thực?
Vị trí và tài nguyên
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm giữa Bắc Mỹ và châu Âu. Với vị trí chiến lược, Greenland là cửa ngõ quan trọng dẫn đến Bắc Cực - khu vực ngày càng có ý nghĩa đối với các quốc gia lớn khi băng tan mở ra nhiều cơ hội kinh tế và quân sự mới.
Tuyến đường ngắn nhất từ Mỹ đến châu Âu cũng chạy qua Greenland, khiến nơi đây trở thành mắt xích không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch kiểm soát nào của Washington.
Từ thời Chiến tranh lạnh, Greenland đã là căn cứ quân sự trọng yếu. Căn cứ không quân Pituffik được đặt tại đây cho phép Mỹ duy trì sự giám sát liên tục trên Bắc Đại Tây Dương, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc theo dõi các động thái từ Nga.
Cựu cố vấn an ninh John Bolton khẳng định Greenland không chỉ là một địa điểm chiến lược mà còn là biểu tượng của sự hiện diện bền vững của Mỹ ở khu vực Bắc Cực.
Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc, vai trò của Greenland trong an ninh toàn cầu tiếp tục được khẳng định. Nhà nghiên cứu địa chính trị Ulrik Pram Gad chỉ ra rằng Greenland không chỉ giúp Mỹ ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ từ Nga mà còn đóng vai trò như một lá chắn địa chính trị trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Không chỉ dừng lại ở giá trị địa chính trị, Greenland còn sở hữu một "kho báu" tài nguyên khổng lồ. Theo các báo cáo khoa học, hòn đảo này chứa đến 43/50 loại khoáng sản quan trọng được Mỹ liệt kê là thiết yếu. Trong đó bao gồm các trữ lượng đất hiếm lớn - thành phần quan trọng trong việc sản xuất thiết bị quân sự hiện đại và các công nghệ năng lượng xanh.
Đất hiếm là yếu tố then chốt trong ngành công nghệ cao, từ điện thoại di động đến máy bay chiến đấu. Việc kiểm soát nguồn tài nguyên này sẽ mang lại lợi thế lớn cho bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Mỹ, trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc. Giáo sư Klaus Dodds từ Đại học London nhận định rằng chính nguồn tài nguyên phong phú mới là yếu tố hấp dẫn nhất khiến ông Trump quyết tâm theo đuổi Greenland.
Tạp chí Economist cũng nhấn mạnh vai trò của Greenland trong chiến lược giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Hiện nay Bắc Kinh kiểm soát phần lớn nguồn cung đất hiếm toàn cầu, và việc Greenland sở hữu một trữ lượng đáng kể tạo cơ hội để Mỹ thay đổi cục diện này. Bên cạnh đó, Greenland còn có tiềm năng khai thác dầu mỏ và khí đốt, dù điều này vẫn vấp phải các quan ngại về môi trường.
Giấc mơ của ông Trump có khả thi?
Mặc dù ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của Greenland, cả Đan Mạch và Greenland đều kiên quyết từ chối ý tưởng này. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi ý tưởng mua Greenland là "vô lý", khẳng định hòn đảo này không phải để bán. Lãnh đạo Greenland Mute Egede cũng tuyên bố: "Greenland không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán".
Tuy nhiên, tình hình nội bộ của Greenland lại đang có những biến chuyển đáng chú ý. Chính quyền Greenland do người Inuit lãnh đạo gần đây đã đẩy mạnh các nỗ lực giành độc lập khỏi Đan Mạch. Trong bài phát biểu chào năm mới, lãnh đạo Egede kêu gọi "xóa bỏ xiềng xích thuộc địa", nhấn mạnh quyền tự quyết của người dân bản địa.
Giáo sư Klaus Dodds nhận định rằng nếu Greenland trở thành một quốc gia độc lập, họ có thể xem xét ký kết một hiệp ước liên kết tự do với Mỹ, tương tự như mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và các lãnh thổ khác như Palau hay Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Greenland sẽ dễ dàng bán đất cho Mỹ, bởi các quốc gia vừa giành độc lập thường tìm cách tránh phụ thuộc vào một cường quốc khác.
Thêm vào đó, bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến Greenland sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế và dư luận toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho ông Trump trong việc hiện thực hóa giấc mơ mua lại hòn đảo này.
Nếu Mỹ dùng vũ lực để chiếm Greenland? Trong trường hợp Mỹ có ý định sử dụng vũ lực để chiếm Greenland, các hậu quả chính trị và quân sự sẽ rất nghiêm trọng. Là một phần của NATO, Greenland được bảo vệ bởi điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Nếu Greenland bị tấn công, toàn bộ các quốc gia NATO sẽ phải đáp trả, khiến Washington phải đối mặt với sự cô lập trên toàn cầu. Ngoài ra, Greenland hiện không phải thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn được hưởng quyền tiếp cận các nguồn tài trợ từ EU. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ hành động quân sự nào nhắm vào Greenland sẽ kích hoạt điều 42.7 - "Điều khoản tương trợ lẫn nhau" trong Hiệp ước EU. Hơn nữa, bất kỳ hành động quân sự nào từ phía Mỹ cũng đi ngược lại lời hứa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử: chấm dứt các cuộc chiến tranh không cần thiết. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()